Cánh đào phai

Published Date
28/02/2014

Mưa. Rét buốt. Từng tốp co ro đi sát lại, cố giữ chút hơi ấm vừa tỏa ra chực bay mất theo từng con gió cứ lùa ngày một mạnh. Trời lất phất mưa, mưa phùn đặc trưng của xuân Hà Nội càng làm cho thời tiết thêm cắt da cắt thịt. Những cành đào gầy guộc chúm chím những nụ xuân như co lại trước giá lạnh. Ánh đèn đường không đủ để sưởi ấm trước màn mưa cứ đâm chéo vào vạn vật, giống như đang quật ngã từ từ từng mảnh linh hồn mỏng manh. Bà lão bán đào dường như gắng gượng để chờ những khách mua đào cuối cùng. Cái Tết có trọn vẹn hay không lại nhờ vào những cành đào bé nhỏ, nhưng sự phụ thuộc đến đáng thương ấy không giúp cho bà lão đông khách hơn. Đôi mắt bà hướng ra nhìn con phố nhỏ. Một chiều. Một chiều của con phố hay một chiều của lòng người, của số phận thì chính bà cũng không hay nữa. Khi đã ngót tuổi 80 của cuộc đời, bà không mong quá nhiều như tuổi trẻ đôi mươi hay những người trung niên. Thứ mà bà mong muốn nhất bây giờ chỉ là sức khỏe, ít nhất là để bán được hết số đào này.

11 giờ đêm, vài bóng đèn đường đã tắt, ngọn sáng nhỏ trước gian hàng nhỏ của bà vẫn lắc lư theo chiều gió. Và gió thì thốc ngày một mạnh hơn, rít từng hồi trên khe cửa sổ không còn nguyên vẹn. “Khuya rồi”-bà tự nhủ mình, thu dọn những cành đào lại rồi vào nhà, trùm chăn thiếp đi.

Gương mặt bà khắc khổ, đôi mắt lúc nào cũng như đang nheo lại, hốc mắt trũng sâu. Đốm đồi mồi nhiều, đi dọc khóe mắt, nổi rõ nơi đôi lưỡng quyền, hai má hóp lại, lộ vẻ thời gian. Mái tóc khó tìm sợi đen ánh, trái ngược hẳn với cô gái đôi mươi trong quá khứ, với suối tóc dài thơm hương bồ kết khiến biết bao trai làng say đắm. Ấy vậy mà ngoảnh đi ngoảnh lại, đã già nửa thế kỷ trôi, cô gái trẻ ấy bây giờ chỉ còn là hình ảnh trong tâm trí mỗi khi bà hồi tưởng. Phải. Là bà. Nhưng là bà trong quá khứ, đã xa lắm rồi…

29 Tết, việc buôn bán cũng suôn sẻ hơn, những cành đào đẹp, nhiều nụ dần dần được đưa lên xe chở về từng nhà theo mong muốn sum vầy, vạn sự của họ. Chỉ có bà vẫn tần ngần đứng đó, tay cầm số tiền bán đào mà tâm hồn đã mải theo bóng kỷ niệm phía xa. Phải rồi, bán hết số đào này, bà sẽ về quê, sẽ ra thăm ông nhà nơi nghĩa trang liệt sĩ, sẽ dành dụm để mở một quán nước nhỏ nuôi thân qua ngày, sẽ…, sẽ… Những ước muốn gần cuối cuộc đời cứ theo gió và mưa bụi cuốn đi theo từng dải mơ hồ, từng màn sương xuống mỏng manh.

Tối 29 Tết, đang co ro trong tấm áo, gà gật rồi bật dậy trong giá lạnh, bà thấy rét và buốt quá, không biết mai có kịp bán hết đào để về quê không. Còn dăm cành nữa, nhỏ và hơi ít nụ, khách kén chọn nên không mua. Mưa bụi mỗi lúc lại đưa nhiệt độ đi xa con phố này, làm giá lạnh càng thêm buốt, len lỏi vào từng thớ vài và da thịt. Thanh niên đi đường áo ấm đầy đủ còn co ro, huống chi một bà lão gầy, lạnh và co quắp trong tấm áo mỏng manh này.

- Con chào bà! Bà ơi, đào năm nay bán bao nhiêu ạ?

Bà thoáng giật mình, giọng nói một nam thanh niên làm bà tỉnh hẳn. Chàng trai trẻ chỉ trạc đôi mươi, vai đeo ba lô bộ đội to sụ, mũ có ngôi sao vàng lấp lánh. Bà ngẩn người. Hình ảnh anh Bộ đội Cụ Hồ đã in đậm trong tâm trí bà không thể phai nhạt. Chàng trai với nụ cười thanh tú, sự tươi trẻ của tuổi thanh xuân và ánh mắt ấm áp chan chứa tình cảm dành cho bà. Ấy là đã rất nhiều năm về trước, khi ông theo tiếng gọi của đất nước, lên đường đi đánh Pháp. Tất cả diễn ra như một bản nhạc buồn, bà và chồng nên duyên nên nghĩa chỉ vài tháng trước khi ông ra trận, và lời hứa hẹn trở về sau khi hòa bình đã đi theo chuyến tàu đó. Mãi mãi.

Miên man theo những kỷ niệm, bà bị cái nắm tay của anh thanh niên kia đưa về thực tại. Hình ảnh anh lính trẻ lắc tay bà khi không nhận được hồi đáp có chút kỳ quặc. Khi tất cả đã xong xuôi, chàng trai vui vẻ đặt hai cành đào nhỏ lên vai, vui vẻ chào bà cụ cho kịp tàu, không quên gửi lời chúc năm mới cho bà cụ vẫn đang ngẩn ngơ đứng đó…

… Mồng 3 tháng Giêng.

Nghĩa trang liệt sĩ năm nay được tu sửa rồi, quét ve vàng mới tinh, đượm màu nắng, trời không còn giá buốt nữa, đôi ba chú chim chuyền cành hót mừng xuân. Những ngôi mộ liệt sĩ đều đã được dọn cỏ, có hoa tươi, hương thơm như để các anh hùng vui xuân mới cùng nhân dân. Khói hương nghi ngút, hoa trong khuôn viên nở rực rỡ một góc trời. Trước mặt một ngôi mộ vuông vắn, bà lão chắp đôi bàn tay nhăn nheo, gân nổi, thành tâm khấn vái. Cách đó không xa, chàng trai trẻ quần áo tề chỉnh, quân hàm và ve áo không chút xộc xệch đang ôm bó hoa tươi thắm, đôi mắt nhìn vào tấm bia đã mờ nhòe dưới gió bụi thời gian. Lát sau, khi đi thắp hương cho những ngôi mộ khác, tình cờ gặp nhau, chàng lính nhận ngay ra bà cụ, chợt nở nụ cười tươi rói, ôm chầm lấy bà. Bà cụ hơi ngớ người, nhưng cũng nhận ra hình dáng của người đã mua cho bà những cành đào cuối cùng. Nhưng những câu chào hỏi xã giao lúc ấy không đủ để bà biết chàng trai này lại cùng quê với mình.

- Cháu mới đi lính nghĩa vụ về bà ạ. Quê mình sau hai cái Tết mà thay đổi nhiều quá bà nhỉ, đường rộng hơn, trường học được xây mới khang trang. “Nhà” của liệt sĩ cũng tu sửa gọn gàng quá.

Từ sự vui mừng đổi mới và nụ cười rạng rỡ, chàng trai bỗng nhớ ra lý do của buổi gặp gỡ tình cờ này. Hóa ra, chồng bà là liệt sĩ, lên đường ra trận khi hai người vừa hạnh phúc duyên mới, rồi hy sinh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ hào hùng. Bà ở vậy từ đó, không một mụn con, chuyển cả trăm nghề trong bấy nhiêu năm, từ bán nước, hái rau đến làm thuê, thời trung niên còn bốc vác, buôn cá, nhưng “không phát về đường kinh doanh”-bà móm mém cười.

Hóa ra, cái duyên của hai người là gia đình đều có những con người hy sinh cho đất nước. Bác ruột chàng trai là chiến sĩ xung phong  chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, hy sinh trong những ngày giáp Tết. Mọi ước mơ, mong ngóng của gia đình bỗng chốc vụt tan khi giấy báo tử được chuyển về. Bà nội anh và vợ bác ngã sụp, khóc suốt mấy ngày. Khi ráo lệ, hai người phụ nữ ra đầu làng, ánh mắt như vô hồn cứ ngóng về phía Bắc. Sự chờ đợi đến tuyệt vọng ấy diễn ra hằng ngày, đến khi bà nội anh già yếu, đi lại khó khăn.

Những mẩu chuyện rời rạc không mạch nối cứ kéo dài trong cái nắm tay của bà lão già và chàng lính trẻ-cái nắm tay của hai thế hệ, của sự tiếp nối truyền thống quê hương trong sắc xuân về…

Truyện ngắn của THU TRANG/ Theo Quân Đội Nhân Dân