Viết tiếp về ngày 30/4

Published Date
21/04/2015


 

 

Trong những ngày cuối tháng 4 này, ông Nguyễn Hữu Thái, Nguyên Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn (1963-64), cùng gia đình đang thực hiện một quyển sách mang tên “30/4/75 – Saigon ngày ấy” kể lại câu chuyện trung thực về sự kiện lịch sử diễn ra 40 năm trước tại Sài Gòn: ngày 30/04/1975. Quyển sách đặc biệt ở chỗ nó không chỉ là những sự kiện lịch sử đơn thuần, phản ánh từ một góc nhìn duy nhất, mà là sự đối thoại giữa những thành viên trong gia đình, giữa một bên là nhân chứng quan trọng về ngày độc lập và thống nhất  đất nước và một bên là thế hệ lớn lên sau 1975

Nguyễn Hữu Thái, Nguyên Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn (1963-64), Kiến trúc sư, nghiên cứu Việt Nam học, thỉnh giảng tại Tây Âu, Bắc Mỹ & Việt Nam là một trong những người hoạt động trong phong trào tranh đấu sinh viên từ sau ngày chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ tháng 11 năm 1963 cho đến tháng 4 năm 1975. Là “người trong cuộc” chứng kiến ngày độc lập và thống nhất  đất nước 40 năm về trước, cùng anh bộ đội Bùi Quang Thận cắm cờ giải phóng trên nóc Dinh Độc, là người đã trở thành MC bất đắc dĩ giới thiệu lời tuyên bố đầu hàng của vị Tổng thống cuối cùng Việt Nam Cộng hòa là Đại tướng Dương Văn Minh tại Đài phát thanh Sài Gòn và cũng là người cùng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hát vang bài “Nối vòng tay lớn” vào trưa ngày 30/4/1975.

Là một trong những đồng tác giả, chị Nguyễn Hữu Thiên Nga, con gái của KTS. Nguyễn Hữu Thái đã cho biết về lý do ra đời của cuốn sách như sau :

“Từ năm 2010 khi mới ở Mỹ về lại Việt Nam và tình cờ cùng Ba tôi là Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái tham dự buổi kỷ niệm 35 năm ngày 30/04/75 tại Dinh Độc Lập. Rồi qua những buổi gặp gỡ thân mật với các cựu chiến binh Mỹ cùng với Ba sau đó, cũng như những email liên lạc qua lại trong nhiều năm liền với các chú, bác là những nhà báo, giáo sư nổi tiếng người nước ngoài đang ở khắp nơi trên thế giới, với những người bạn Mỹ phản chiến của Ba từ thời xa xưa, v.v… thì ngay trong tôi đã có ý định phải viết cuốn sách như thế này cùng với Ba.

Vì sao tôi phải viết ? Và tại sao là bây giờ ?



Đại tướng Dương Văn Minh, Tổng thống cuối cùng Việt Nam Cộng hòa  chuẩn bị tuyên bố đầu hàng tại đài phát thanh Sài Gòn trưa ngày 30/4/1975, tác giả thứ 2 (cầm tập giấy) kể từ phải (ảnh của nhà báo Kỳ Nhân, phóng viên ảnh hãng thông tấn AP Mỹ)

Dù sao thế hệ 7X của hai anh em chúng tôi thì cũng thỉnh thoảng có nghe tiếng bom đạn đì đùng trong thành phố Sài Gòn ngày ấy… nhưng lại còn quá nhỏ để hiểu “chiến tranh” là gì? Thế hệ chúng tôi đã được đi nhiều, nghe nhiều về chiến tranh Việt Nam từ hai phía, cũng đã được học từ những sách vở chính thống của trường đại học ở Việt Nam cũng như ở nước ngoài. Nhưng sao những sách vở và tư liệu này lại cứ quá nặng nề và khô khan!

Tại sao sự kiện ngày 30/04/75 xảy ra ngay tại thành phố Sài Gòn là nơi tôi sinh ra và lớn lên. Rồi câu chuyện lịch sử trọng đại này lại xảy ra ngay tại Dinh Độc Lập - nơi chỉ cách hai ngã tư là nhà bà ngoại mà cả đại gia đình tôi đang sinh sống vào lúc đó. Tại sao tôi đã có cơ hội gặp nhiều người từ tướng tá, sĩ  quan cấp cao cho đến những người lính bình thường, và kể cả những người làm trong chính quyền cũ mới, cũng như tôi đã nghe kể nhiều và quá nhiều những câu chuyện vui buồn của những gia đình giàu có cũng như bình thường sống tại Sài Gòn thời gian đó v.v… Vậy tại sao và tại sao phải đi kiếm tìm ở đâu xa xôi? Ngay chính trong gia đình nhỏ gần gũi là Ba và Má của tôi thì chính hai người đã là những nhân chứng lịch sử rất quan trọng của giai đoạn này. Má Trần Tuyết Hoa của tôi - một người con gái gốc Huế trong gia đình tư sản, nhưng cũng là sinh viên Phật tử tranh đấu cho hòa bình, là người khóc mếu máo khi cầm bài thơ của chị bạn Nhất Chi Mai đã tự thiêu cho hòa bình năm 1967 đưa đến cho người bạn thân là Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn phổ nhạc thành bài “Hãy sống giùm tôi”, là người được bạn bè sinh viên cùng thời ngưỡng mộ và ưu ái đặt tên “Nữ Vương Hòa bình”. Và cũng là người đạp xe đi loanh quanh Sài Gòn chiều ngày 30/4/1975 để mong ngóng tin tức và lo lắng cho chồng, cho con, anh em và bạn bè.

Chính vì những lý do đó mà tôi quyết định là phải viết, phải xuất bản cuốn sách đã ấp ủ từ rất lâu này để cho độc giả trong nước cũng như bạn bè người nước ngoài ở khắp năm châu có cái nhìn trung thực và khách quan hơn. Và cũng là để đi tìm câu trả lời cho chính mình: “Tại sao?””.

Một quyển sách sẽ mang lại nhiều điều thú vị cho độc giả, đặc biệt là thế hệ sinh ra và lớn lên khi nước nhà độc lập.

Nguyễn Hữu Thái, Kiều bào Canada