Tình trạng gián đoạn nguồn cung hàng hóa, căng thẳng tài chính, giá cả tăng cao là những tác động từ cuộc xung đột tại Ukraine sẽ khiến các nền kinh tế ở châu Á tăng trưởng chậm lại trong những tháng tới. Đó là nhận định được Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra trong báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương.
Theo trang The Guardian, báo cáo công bố ngày 5-4 này đề cập 23 nền kinh tế đang phát triển ở Đông Á và Thái Bình Dương (EAP) nhưng không tính đến các nước phát triển như Úc, New Zealand, Singapore, Nhật Bản…
Theo WB, khu vực EAP hiện đối mặt 3 cú sốc chính đe dọa làm suy yếu đà tăng trưởng: xung đột Nga - Ukraine, chính sách tiền tệ thay đổi ở Mỹ và một số nước khác, sự tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc.
Chuyên gia kinh tế trưởng phụ trách EAP của WB, ông Aaditya Mattoo, nhận định xung đột Nga - Ukraine là "rủi ro nghiêm trọng nhất" đối với triển vọng tăng trưởng của khu vực này bởi đã gây biến động tài chính và làm giảm lòng tin trên thế giới.
Đáng lo hơn cả, theo WB, cuộc xung đột Nga - Ukraine còn khiến giá nhiều hàng hóa leo thang, ảnh hưởng đến sức mua của hộ gia đình, đè nặng lên các doanh nghiệp và nhiều chính phủ vốn đang đối mặt mức nợ cao khác thường do đại dịch Covid-19.
Người dân mua sắm tại một siêu thị ở thủ đô Jakarta - Indonesia. Ngân hàng Thế giới đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm nay từ 5,2% còn 5,1% Ảnh: Reuters
Ông Mattoo đặc biệt lo lắng khi cuộc sống của hàng triệu gia đình ở khu vực có thể chịu tác động tiêu cực từ những biến động nói trên. Theo WB, khoảng 8 triệu người đã quay lại cảnh nghèo trong lúc đại dịch hoành hành và sẽ chứng kiến thu nhập thật sự của họ càng ít đi do giá cả leo thang, sức mua giảm.
Báo cáo mới của WB ước tính khu vực EAP năm nay tăng trưởng 5%, giảm so với mức 5,4% đưa ra hồi tháng 10-2021. Dù vậy, trong kịch bản xấu nhất, tỉ lệ này có thể giảm còn 4% nếu tình hình toàn cầu trở nên xấu hơn và các nền kinh tế có phản ứng chính sách kém hiệu quả.
Đáng chú ý, Trung Quốc - nền kinh tế lớn nhất khu vực - được dự báo có tốc độ tăng trưởng 5% năm nay, so với dự báo trước đó là 5,4%. Tại kỳ họp quốc hội Trung Quốc vào tháng rồi, Bắc Kinh đã đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2022 là 5,5%, thấp hơn so với mức 8,1% năm ngoái.
Ông Carlos Casanova, chuyên gia tại Ngân hàng UBP (Thụy Sĩ), nhận định với đài Al Jazeera rằng việc WB hạ mức dự báo tăng trưởng của khu vực EAP phản ánh nhu cầu suy yếu ở Trung Quốc và giá năng lượng tăng. Ngay cả trước khi giao tranh nổ ra ở Ukraine, Bắc Kinh đã phải xử lý tác động của dịch Covid-19 lên nền kinh tế và những nguy cơ của lĩnh vực bất động sản.
Bà Manuela V. Ferro, Phó Chủ tịch WB phụ trách EAP, cho rằng nền tảng căn bản vững chắc và chính sách lành mạnh có thể giúp các quốc gia và toàn khu vực chống chọi các thử thách nói trên. Trong khi đó, ông Mattoo nhấn mạnh sự kết hợp giữa các biện pháp cải cách về tài chính, tài khóa và thương mại có thể giảm rủi ro, phục hồi tăng trưởng và giảm nghèo.
Trước mắt, WB thúc giục các chính phủ dỡ bỏ hạn chế về thương mại và dịch vụ, cũng như chấm dứt trợ giá nhiên liệu hóa thạch để khuyến khích sử dụng nhiều công nghệ năng lượng xanh hơn.
https://nld.com.vn/thoi-su/vi-sao-chu-tich-tap-doan-tan-hoang-minh-bi-bat-giam-2022040522125476.htm