Đào tạo nhân lực thiết kế vi mạch theo nhu cầu doanh nghiệp

PGS.TS Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM, phát biểu tại tọa đàm.
(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 26/8, Trung tâm đào tạo Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM phối hợp với Công ty Cổ phần tập đoàn Sun Electronics tổ chức tọa đàm “Đào tạo nhân lực thiết kế vi mạch theo nhu cầu doanh nghiệp”.
Tham dự tọa đàm có: Giáo sư - Tiến sĩ Đặng Lương Mô, nhà khoa học đi tiên phong trong việc phát triển ngành công nghệ vi mạch tại Việt Nam; PGS.TS Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM… cùng đại diện các doanh nghiệp trong các lĩnh vực thuộc ngành công nghiệp điện tử và vi mạch bán dẫn, đặc biệt là các công ty vi mạch tại TPHCM.
Tại tọa đàm, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, trong 20 năm qua, thị trường vi mạch bán dẫn phát triển không ngừng và còn tiếp tục phát triển. Cùng với sự phát triển đó là nhu cầu về nhân lực trong lĩnh vực thiết kế vi mạch cũng ngày một tăng cao. Hiện nay nhiều quốc gia lớn về vi mạch bán dẫn đang có sự thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng, đây là một cơ hội lớn cho Việt Nam.
PGS.TS Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM nhấn mạnh đến tầm quan trọng của lĩnh vực thiết kế vi mạch đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay. “Không có quốc gia nào công nghiệp hóa thành công mà không phát triển được ngành công nghiệp điện tử mạnh. Không có quốc gia nào phát triển được ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn mà không sở hữu nghành công nghiệp điện tử mạnh” - PGS.TS Nguyễn Anh Thi nhấn mạnh và cho biết Khu Công nghệ cao TPHCM đặt rất nhiều tâm huyết cho nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này. Mục tiêu đến 2030, Trung tâm đào tạo Khu Công nghệ cao TPHCM sẽ góp phần giúp Việt Nam đào tạo được 50.000 kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn. Để có được đội ngũ này, phải huy động các trường đại học lớn, có uy tín vào cuộc. Đến thời điểm này, hầu hết các trường đều cam kết tham gia vào lĩnh vực này. PGS.TS Nguyễn Anh Thi hy vọng Trung tâm đào tạo Khu Công nghệ cao TPHCM sẽ là nơi hội tụ các nguồn lực để phục vụ cho nhiệm vụ này.
Tại tọa đàm các đại biểu, đặc biệt là đại diện các công ty thiết kế vi mạch hàng đầu tại Việt Nam hiện nay như Renesas Design Vietnam, Công ty TNHH Ampere Computing Việt Nam, Adtechnology & SNST Việt Nam, Microchip, Semifive, Synopsys, Cadence… đã đưa ra những ý kiến về phương pháp để xây dựng bộ tiêu chuẩn kiến thức và kỹ năng của kỹ sư thiết kế vi mạch theo từng bậc lĩnh vực chuyên ngành; phương pháp xây dựng giáo trình đào tạo đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp về chất lượng kỹ sư sau đào tạo; nhu cầu về kỹ sư của doanh nghiệp; khả năng tham gia của các chuyên gia, kỹ sư đang làm việc tại doanh nghiệp.
Các đại biểu tham gia tọa đàm.
Giáo sư - Tiến Sĩ Đặng Lương Mô cho rằng, chương trình đào tạo do Trung tâm đào tạo thiết kế vi mạch Khu Công nghệ cao (SCDC) xây dựng là bao quát, đầy đủ. Tuy nhiên, ngoài kỹ năng thiết kế, cũng cần biết thêm về quy trình chế tạo. Người thiết kế nếu không biết chế tạo thì sẽ là thiếu sót. Do đó nên đào tạo cho các kỹ sư thiết kế biết sơ qua quy trình chế tạo. “Đây là cơ hội lần thứ 3 để Việt Nam có thể phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn và công nghiệp chế tạo. Ngoài vấn đề đào tạo kỹ sư thì chúng ta phải có năng lực để có những tín hiệu mới về vi mạch. Hiện nhiều trường Đại học ở Việt Nam được đánh giá cao trên thế giới, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cung cấp cho nhiều nước, đó là tín hiệu khẳng định Việt Nam hoàn toàn làm tốt việc tạo nguồn chất lượng cao cho ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn” - Giáo sư - Tiến Sĩ Đặng Lương Mô nhấn mạnh.
Trung tâm thiết kế vi mạch khu công nghệ cao TPHCM (SCDC) sẽ đóng vai trò là trung tâm kết nối để phát triển vi mạch Việt Nam trong thời gian tới. Định hướng SCDC sẽ phối hợp với khoảng 20 trường đại học với các doanh nghiệp vi mạch để thực hiện đào tạo và phối hợp đào tạo lực lượng kỹ sư có chuyên môn, kỹ năng cao đáp ứng nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp. Với 9 môn học, 3 cấp độ đào tạo: cở bản, nâng cao và cao cấp. SCDC kỳ vọng sẽ giúp kỹ sư sau đào tạo có thể bắt kịp yêu cầu của công việc tại từng bậc cụ thể, giảm chi phí và nguồn lực mà các doanh nghiệp phải đầu tư đào tạo cho kỹ sư. Giúp doanh nghiệp hoạt động tốt hơn và mở rộng quy mô hoạt động, góp phần phát triển quy mô cả ngành công nghiệp vi mạch ở Việt Nam.
https://hcmcpv.org.vn/tin-tuc/dao-tao-nhan-luc-thiet-ke-vi-mach-theo-nhu-cau-doanh-nghiep-1491912784
Ng.Một/(Thanhuytphcm.vn)