Độc đáo những ngôi làng Việt trên đất Trung Hoa

Published Date
29/05/2024

Trải qua hơn 500 năm, hàng chục thế hệ người Việt sinh ra và lớn lên tại làng Vạn Vĩ, Vu Đầu, Sơn Tâm (Quảng Tây, Trung Quốc) chưa bao giờ đánh mất tiếng mẹ đẻ và những nét văn hóa đặc trưng của quê hương. Họ trở thành cầu nối làm sâu sắc hơn nữa tình hữu nghị Việt - Trung.

Ngôi làng của những người dân Việt

Theo gia phả và tài liệu của những người Việt sinh sống tại Quảng Tây, Trung Quốc, vào thế kỷ 16, một nhóm người Việt từ Ðồ Sơn (Hải Phòng) đã di cư theo đường biển từ miền duyên hải của Việt Nam đến định cư trên 3 hòn đảo nhỏ là Vạn Vĩ, Vu Ðầu và Sơn Tâm (nay thuộc địa phận thị trấn Giang Bình, huyện Đông Hưng, Phòng Thành Cảng, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc), gọi chung là Tam Đảo. Tam Đảo có diện tích 20,8 km2 và hiện có hơn 30.000 người sinh sống. Đến nay, với tư cách là một trong 56 dân tộc của Trung Quốc, họ được coi là cộng đồng người Kinh chủ yếu và mang nhiều bản sắc văn hóa Việt Nam nhất tại đất nước này.

Với lũy tre, giếng nước, sân đình... khung cảnh nơi đây bình yên như một làng quê Bắc Bộ của Việt Nam. Ngoài ra, những người Việt còn trồng những cây thị quanh làng để gợi nhớ về quê hương.

Trải qua nhiều đời sinh sống trên đất khách, nhưng người Việt tại Tam Đảo vẫn duy trì truyền thống cha ông để lại như: cúng cơm trong những ngày Tết, thờ cúng nhân vật anh hùng trong nước và thường xuyên về thăm quê cha đất tổ.

Đặc biệt, người Việt ở Tam Đảo còn lưu giữ được lối hát đối đáp giao duyên du dương và trữ tình tựa như hát Quan họ ở miền Bắc Việt Nam. Nhạc cụ cổ truyền vẫn được họ gìn giữ và sử dụng thường xuyên là đàn nhị, sáo trúc, trống, cồng và đàn bầu. Họ còn lưu giữ một kho tàng văn học dân gian phong phú với ca dao, tục ngữ, truyện cổ tích Việt Nam...

Áo dài cũng là trang phục truyền thống của phụ nữ Việt tại Tam Đảo. Họ thích áo dài truyền thống với quần ống suông, nón lá. Vào những ngày hội làng hay dịp lễ, Tết, họ thường mặc áo dài đủ sắc màu và hát những bài hát Việt Nam.

                                                                                                         Phụ nữ Kinh ở Tam Đảo mặc áo dài, chơi đàn bầu, hát những bài hát Việt Nam. Ảnh: Baidu

Về ẩm thực, người dân Tam Đảo vẫn làm nước mắm từ cá biển để chấm và nêm thức ăn như người Việt ở Việt Nam. Một trong những món ăn ưa thích của họ là bánh đa, bún riêu, bún ốc với hương vị đặc trưng của quê nhà.

Những ngôi làng ở Tam Đảo có sự giao thoa độc đáo giữa văn hóa Trung Quốc và Việt Nam. Người dân nơi đây có thể dùng song ngữ, hầu hết cư dân đều có thể nói được tiếng Việt. Chính quyền địa phương nơi đây đã đưa tiếng Việt vào chương trình giảng dạy tại các trường học, nơi có người Việt sinh sống. Những người Trung Quốc làm dâu, rể của ngôi làng này sau nửa năm, đến một năm cũng đã có thể nói chuyện được bằng tiếng Việt, nhưng do vốn từ hạn chế nên khi trao đổi, họ vẫn phải “pha” thêm tiếng Trung.

No ấm và bình yên

Sau cải cách mở cửa, điều kiện sống của người dân Tam Đảo dần được cải thiện. Họ bắt đầu tiếp nhận nền giáo dục hiện đại, học tiếng Trung và các kiến thức môn học khác, rồi dần dần hòa nhập vào xã hội hiện đại. Họ tập trung làm nghề thu mua hải sản, buôn bán ở khu vực biên giới... Du lịch nơi đây cũng rất phát triển, mang lại nguồn lợi cho người dân.

Theo Tạp chí dân tộc Trung Quốc, thu nhập bình quân đầu người của Tam Đảo năm 2023 đã đạt 19.000 NDT, tăng gấp đôi so với 10 năm trước. Thu nhập kinh tế tập thể của thôn đạt trên 3,3 triệu NDT. Nhà gỗ và biệt thự có thể được nhìn thấy ở mọi nơi, không còn nhà tạm, nhà lán như trước đây. Tỷ lệ sở hữu ô tô trung bình của hộ gia đình là hơn 85%. Điều kiện giáo dục y tế, điều kiện sinh hoạt, cơ sở hạ tầng, giao thông đường bộ... đã được cải thiện rất nhiều. Nhiều hoạt động kinh tế và xã hội đã phát triển mạnh mẽ, Tam Đảo đã trở thành "hòn đảo giàu có" và "hòn đảo văn minh" nổi tiếng.

Hàng năm, Tam Đảo tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa đặc sắc, thu hút sự tham gia của du khách Việt Nam. Con cháu những người Việt trên đảo giờ có rất nhiều người làm nghề hướng dẫn viên du lịch hoặc phiên dịch viên Việt - Trung. Nhiều người làm ăn phát đạt còn trở về quê cha đất tổ, hợp tác với đối tác Việt Nam. Qua đó, thúc đẩy sự giao lưu văn hóa và làm sâu sắc hơn nữa tình hữu nghị hai nước Việt - Trung, đồng thời cũng có những đóng góp quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế Trung Quốc.

                                                                                                                                                                                                                                          Mai Thùy - https://thoidai.com.vn/doc-dao-nhung-ngoi-lang-viet-tren-dat-trung-hoa-200431.html