Hoàn toàn có khả năng
Trước mắt, Hội đồng Văn học dịch gồm 3 thành viên, cũng là 3 dịch giả: Nguyễn Thị Hiền (Chủ tịch hội đồng), Nguyễn Lệ Chi (Phó Chủ tịch hội đồng) và Dương Kim Thoa. Trong buổi ra mắt hội đồng, nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM, cho biết, đây là lần đầu tiên Hội Nhà văn TPHCM có Hội đồng Văn học dịch sau hơn 40 năm thành lập. Một điều mà ban chấp hành hội đang canh cánh là làm sao có điều kiện để góp phần giới thiệu những tác phẩm văn chương của TPHCM đến với người đọc của nhiều quốc gia.
Thực tế cho thấy, văn học dịch đang chiếm một thị phần không nhỏ trên thị trường xuất bản của Việt Nam. Riêng tại TPHCM, văn học dịch ở chiều hướng dịch xuôi (dịch từ các ngôn ngữ khác ra tiếng Việt) hết sức sôi động, sức tiêu thụ lớn. Ở hướng ngược lại, nhiều năm qua, mặc dù là nơi hội tụ nhiều cây viết từ khắp mọi miền đất nước, nhưng tác phẩm của tác giả hiện đang sống tại TPHCM được dịch và đưa ra nước ngoài không nhiều.
Một số nhà văn như Vũ Đình Giang, Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyễn Nhật Ánh... có tác phẩm được dịch và bán bản quyền ra nước ngoài. Riêng trường hợp nữ nhà văn Dương Thụy có nhiều tác phẩm được dịch ra tiếng Anh như Oxford thương yêu, Chờ em đến San Francisco, Tôi nghĩ tôi thích nước Mỹ, Nhắm mắt thấy Paris, Cung đường vàng nắng… Có điều, các tác phẩm này chủ yếu được NXB Trẻ phát hành trong nước.
Cách đây đúng 10 năm, Chibooks từng công bố dự án “Mang văn chương Việt ra thế giới”, bên cạnh những tên tuổi văn chương đương đại nổi tiếng trong nước, có một số nhà văn của TPHCM như Bùi Anh Tấn, Vũ Đình Giang, Phan Hồn Nhiên. Tiếc rằng, dự án này chưa thể “ra trái ngọt”, bởi theo dịch giả Nguyễn Lệ Chi, Giám đốc Chibooks, thời điểm đó, với mỗi tác giả, Chibooks chỉ chọn một cuốn và tóm tắt nội dung bằng tiếng Trung và tiếng Anh, làm catalogue bằng hai thứ tiếng, mang đi dự nhiều hội sách quốc tế với mục đích giới thiệu văn chương Việt ra bên ngoài. Trong khi, các đối tác nước ngoài cần nhiều hơn thế.
“Với kinh nghiệm từng tham dự hội sách của nhiều nước trong hơn 10 năm trở lại đây, tôi thấy văn học Việt Nam nói chung, văn học TPHCM nói riêng được dịch và đưa ra nước ngoài vẫn còn ít. TPHCM có số lượng tác giả, nhà văn tên tuổi và có bề dày về kinh nghiệm nhiều nhưng việc chưa được quảng bá ra nước ngoài là một thực tế rất đáng tiếc. Theo tôi, chúng ta hoàn toàn có khả năng xây dựng hệ thống bản dịch tác phẩm của các nhà văn TPHCM, kể cả nhà văn trẻ, để đưa ra bên ngoài”, dịch giả Nguyễn Lệ Chi chia sẻ.
Đường dài quảng bá văn học thành phố ra thế giới
Du khách tham quan Đường sách TPHCM
Quan trọng vẫn là kinh phí
Đa số các tác phẩm được bán bản quyền ra nước ngoài hiện nay đều xuất phát từ cá nhân hoặc các đơn vị xuất bản. Như trường hợp của hai nhà văn Nguyễn Nhật Ánh và Nguyễn Ngọc Thuần, đều do NXB Trẻ thực hiện. Theo ông Nguyễn Thành Nam, Phó Giám đốc - Tổng Biên tập NXB Trẻ, khi muốn giới thiệu một tác phẩm hay bán bản quyền ra nước ngoài, trước hết phải dịch ra tiếng Anh. “Chúng tôi đầu tư để dịch đầy đủ bản tiếng Việt ra tiếng Anh, chứ không phải đợi người ta quan tâm rồi mới dịch. Song song với việc phát hành trong nước, chúng tôi dùng bản dịch tiếng Anh đó để chào bán với những NXB của nước ngoài mà mình quen biết”, ông Nam nói thêm.
Trong công tác dịch thuật, ông Nguyễn Thành Nam cho rằng, một vấn đề khó là phải tìm kiếm và lựa chọn người dịch để người nước ngoài đọc hiểu bản dịch. “Đa phần chúng tôi sẽ tìm người nước ngoài biết tiếng Việt và có am hiểu về văn học Việt Nam, hoặc nếu tìm một dịch giả người Việt giỏi, chúng tôi cũng sẽ phải tìm một người nước ngoài để hiệu đính nhằm phù hợp với văn phong tiếng Anh”, ông Nam cho biết.
Dịch giả Nguyễn Lệ Chi cho rằng, việc xây dựng hệ thống bản dịch đòi hỏi phải có điều kiện kinh tế mới có thể triển khai. Vướng mắc lớn nhất chính là kinh phí. “Với tiềm lực kinh tế của TPHCM hiện nay, việc bỏ ra 2-3 triệu USD để đầu tư vào dịch thuật cho các tác phẩm dịch ra tiếng Anh hoàn toàn có thể làm được. Bởi vì, chỉ khi nào các tác phẩm được dịch ra tiếng Anh, thì việc mang đi trưng bày hay tham gia các hội chợ sẽ không khó”, bà Nguyễn Lệ Chi nói.
Một vấn đề quan trọng trong câu chuyện quảng bá văn học TPHCM ra nước ngoài, theo nhà phê bình trẻ Nguyễn Đình Minh Khuê (công tác tại Trường Đại học KHXH-NV TPHCM) là tiếng Việt vẫn chưa được sử dụng rộng rãi trên thế giới. Như vậy, trước nhất, cần làm cho tiếng Việt lớn mạnh hơn, có tầm ảnh hưởng rộng rãi hơn, mà các chính sách về kinh tế, văn hóa, ngoại giao… sẽ quyết định rất lớn đến điều này. Cũng theo anh, nhà văn Việt Nam chưa có một ý niệm thật rõ về khái niệm “văn học thế giới” - văn học có khả năng vượt ra khỏi các đường biên văn hóa. Anh lý giải: “Một trường hợp đại diện cho kiểu văn chương thế giới này là Haruki Murakami. Tiểu thuyết của ông được đọc trên toàn cầu chính bởi đặc tính “thế giới”. Biết cách hòa trộn tinh thần hướng đến “văn chương thế giới” với sự trưng dụng văn hóa độc đáo của dân tộc mình, theo tôi, sẽ giúp các nhà văn vươn đến những tầm cao hơn”.
Ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc (Trường Đại học Văn Lang) vừa phối hợp Hội đồng Văn học dịch (Hội Nhà văn TPHCM) tổ chức workshop “Biên dịch văn học Hàn Quốc”. Chương trình có 20 học viên, diễn ra trong 3 tháng với các giảng viên: GS Phan Thu Hiền, TS - dịch giả Lê Đăng Hoan, TS - dịch giả Nguyễn Thị Hiền. Trong chương trình, đội ngũ biên dịch không chỉ tập trung dịch văn học Hàn Quốc sang tiếng Việt mà còn sẽ nỗ lực dịch tác phẩm (thơ, truyện ngắn) của các tác giả Việt Nam sang tiếng Hàn. |
HỒ SƠN/ SGGP