Hiện thực hóa Không gian văn hóa Hồ Chí Minh

Published Date
28/06/2022
Xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở thành phố mang tên Bác là chủ trương phù hợp với tâm nguyện của nhân dân. Đây là một đóng góp có ý nghĩa đi đầu, mở đầu cho các địa phương khác và cho cả nước.

Học sinh Trường quốc tế Việt Úc, quận 10, trong Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại trường. Ảnh: MAI HOA

Học sinh Trường quốc tế Việt Úc, quận 10, trong Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại trường. Ảnh: MAI HOA

Thiên thời, địa lợi, nhân hòa

Văn hóa là nền tảng, là động lực của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Chính văn hóa Việt Nam, bản sắc văn hóa trường tồn trong lịch sử là sức mạnh cốt lõi tạo nên truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc, đánh bại mọi âm mưu “đồng hóa” Việt Nam của các thế lực phong kiến phương Bắc, “khai hóa văn minh” kiểu thực dân của đế quốc Pháp.

Bác Hồ đã ra đi tìm đường cứu nước từ chủ nghĩa yêu nước, đem theo hành trang văn hóa của dân tộc để đến với lý luận Mácxít, đưa văn hóa Việt Nam hội nhập với văn minh nhân loại. Và chính Người đã làm rạng rỡ hơn, đậm đà hơn, sâu sắc hơn văn hóa Việt Nam trong thời đại mới. Xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh sẽ góp phần tạo sức mạnh nội lực, tạo động lực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của TPHCM và cả nước. Đây là công việc trọng đại, TPHCM có đủ mọi điều kiện thiên thời, địa lợi, nhân hòa để hiện thực hóa.

Sài Gòn - TPHCM là nơi đã tiễn chân Người ra đi tìm đường cứu nước. Đây là nơi mà trong suốt cuộc đời Người mong muốn cháy bỏng được trở về. Sài Gòn cũng là nơi sớm tiếp thu những ảnh hưởng tư tưởng của Người từ trước khi thành lập Đảng, nơi mà phong trào công nhân, phong trào nông dân, phong trào của đội ngũ trí thức yêu nước, sinh viên học sinh thấm đẫm tư tưởng và tấm gương của Người thông qua những trí thức yêu nước. Sài Gòn là thành phố sớm được đề nghị mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay từ khi có Quốc hội khóa I, và đã được vinh dự mang tên TPHCM ngay sau ngày đất nước thống nhất. Nơi đây có rất nhiều di tích lịch sử gắn với Người, từ bến Nhà Rồng - cảng Sài Gòn đến chiến dịch lịch sử mang tên Hồ Chí Minh.

TPHCM có khả năng và sức mạnh kinh tế, văn hóa xã hội vượt trội, với kinh nghiệm phong phú của một thành phố trọng điểm. Đặc biệt, với bản lĩnh, tài năng và cái chất văn hóa Nam bộ hào sảng, nghĩa tình, xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh không phải là cái gì đó quá xa xôi mà hết sức thân tình, gần gũi, như cuộc sống vốn có của người Sài Gòn - TPHCM trước kia và hôm nay.

Không gian văn hóa trên không gian mạng

Xây dựng nền văn hóa nói chung, xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh nói riêng là cả một quá trình. Trước tiên, cần nâng cao nhận thức đúng về văn hóa, không gian văn hóa, Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, đặc biệt là nhận thức về giá trị, về sức mạnh của con người trong Không gian văn hóa Hồ Chí Minh.

Ngày nay, không gian mạng là một nhân tố trọng yếu trong quá trình phát triển, do đó cần hết sức chú trọng xây dựng không gian văn hóa trên không gian mạng. Xây dựng không gian văn hóa về cơ bản bao gồm không gian văn hóa vật chất và không gian văn hóa tinh thần. Nói cách khác, đó chính là xây dựng không gian văn hóa vật thể và phi vật thể. Cần hết sức tránh khuynh hướng chỉ chú trọng vào xây dựng các thiết chế văn hóa, mà ít chú ý đến yếu tố tinh thần của không gian văn hóa.

Các thiết chế có thể sớm hoàn thành, nhưng để những giá trị tinh thần mang bản sắc văn hóa Hồ Chí Minh thấm sâu, hiện diện bền vững trong mỗi người dân TPHCM, là một quá trình dài. Những thiết chế văn hóa cần chuyển tải được tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, làm sống động tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh trong không gian đó, có sức lôi cuốn mọi người cùng hòa mình vào và ước mong trở lại.

Chúng ta đã và đang tổ chức, thực hiện học tập và làm theo Bác đạt nhiều thành tích đáng tự hào. Nhiều tấm gương tập thể và cá nhân tiêu biểu đã được bình chọn và nhân rộng. Nhìn rộng hơn, người dân thành phố có thể tự hào khi mình là người của TPHCM. Như vậy, về mặt nào đó, chúng ta đã có một Không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở một mức độ nhất định.

Người dân TPHCM từ trong lịch sử đến hiện tại đã gắn bó với tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thành phố này có biết bao lớp người làm nên lịch sử và bản thân họ cũng là những tấm gương bình dị mà cao quý. Như vậy, chính người dân thành phố đã vun đắp và hiện thực hóa Không gian văn hóa Hồ Chí Minh bằng hành động cụ thể.

Trong sự nghiệp xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở thành phố hôm nay và mai sau, thực chất là xây dựng một không gian ấm áp tình người, thấm đượm cốt cách và tâm hồn Chủ tịch Hồ Chí Minh trong mỗi con người thành phố, là xây dựng một thành phố mà mỗi người dân, trước hết là mỗi người lãnh đạo, bằng hành động thực tiễn trở thành tấm gương để lòng dân tôn vinh, ngưỡng mộ.

Nhìn lại lịch sử, tại TPHCM đã xuất hiện những người lãnh đạo xuất sắc, góp phần đem lại vinh quang cho thành phố và đóng góp công sức, trí tuệ vào sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp giải phóng dân tộc và đổi mới. Những con người tiêu biểu như Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ mà nhân dân gọi thân mật là anh Mười Cúc, anh Sáu Dân, anh Năm Xuân, cũng là những người học trò xuất sắc của Bác Hồ, không chỉ học theo tư tưởng của Bác mà còn làm theo Bác hết sức thiết thực, mà điểm nổi bật nhất là cống hiến cả cuộc đời mình cho Đảng, cho dân, luôn “dĩ dân vi thượng”. 

Thiếu tướng, PGS-TS VŨ QUANG ĐẠO (Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam)/SGGP