Khai giảng Khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài năm 2023

Published Date
17/08/2023

Diễn ra từ ngày 16-31/8, Khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài năm nay có sự tham dự của hơn 60 giáo viên từ 17 quốc gia và vùng lãnh thổ. 

Sáng 16/8, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) - Bộ Ngoại giao phối hợp với Vụ Giáo dục thường xuyên - Bộ Giáo dục và Đào tạo, tổ chức khai giảng Khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài 2023 tại Hà Nội.

Khai giảng Khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài năm 2023
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Lê Thị Thu Hằng phát biểu khai mạc. (Ảnh: Dương Tiêu)

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN Lê Thị Thu Hằng nhiệt liệt chào mừng các giáo viên về dự khóa tập huấn, đồng thời khẳng định: “Dù là giáo viên không chuyên, các thầy cô vẫn duy trì dạy tiếng Việt bằng tấm lòng, bằng tình thương, bằng trách nhiệm của NVNONN đối với việc lưu giữ hồn cốt của dân tộc là tiếng mẹ đẻ và các giá trị truyền thống văn hóa của Việt Nam”.

Bà Lê Thị Thu Hằng chia sẻ, đến từ nhiều đất nước khác nhau, hoàn cảnh khác nhau, nhưng các thầy cô đều có chung một tâm nguyện là trao truyền các giá trị văn hóa của quê hương và ngôn ngữ mẹ đẻ, để con cháu và nhiều thế hệ NVNONN về sau vẫn sẽ nói và gìn giữ tiếng tiếng mẹ đẻ.

Giữ được tiếng mẹ đẻ là giữ được hồn cốt của dân tộc và của người Việt Nam, là nền tảng để NVNONN có thể làm những điều lớn lao hơn, đóng góp nhiều hơn cho đất nước.

Khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên NVNONN được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2013. Năm nay là lần thứ 9 tổ chức chương trình này. Sau 10 năm, chương trình đã thu hút sự tham dự của hơn 800 giáo viên NVNONN.

Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng hy vọng trong hai tuần tới đây, bằng nỗ lực và trách nhiệm, tình cảm của các thầy cô giáo từ Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Sư phạm Hà Nội, cùng sự hỗ trợ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam và nhiều cơ quan khác, các giáo viên NVNONN sẽ được trang bị thêm các kỹ năng sư phạm.

Những kỹ năng đó, cùng với ngọn lửa đam mê và tình yêu vốn có với nguồn cội và với tiếng Việt, mong rằng các thầy cô khi trở về sở tại sẽ tiếp tục sự nghiệp “gieo chữ” của mình.

Thứ trưởng cũng mong các hoạt động ngoại khóa trong khóa tập huấn là cơ hội để các thầy cô đi tham quan, tìm hiểu thêm về lịch sử Việt Nam cũng như giao lưu với các thầy cô giáo dạy tiếng Việt trong nước.

Khai giảng Khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài năm 2023
Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng tặng hoa các giáo viên NVNONN về tham dự khóa tập huấn. (Ảnh: Lê An)

Đại diện Lãnh đạo Bộ Ngoại giao cũng nhấn mạnh: “Qua khóa tập huấn, tôi mong sẽ thiết lập được mạng lưới những người Việt Nam yêu tiếng Việt, dạy tiếng Việt ở các nơi trên thế giới. Trách nhiệm, tình yêu quê hương và ngôn ngữ mẹ đẻ là động lực bền vững giúp duy trì sự nghiệp giảng dạy tiếng Việt, trao truyền giá trị văn hóa cho cộng đồng ta ở nước ngoài, một cộng đồng ngày càng lớn mạnh về số lượng và chất lượng”.

Tại buổi lễ, Đại sứ Nguyễn Phú Bình, Chủ tịch Hội liên lạc với NVNONN, bày tỏ niềm vui khi khóa tập huấn hằng năm luôn được tổ chức cùng dịp với Ngày tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN (8/9).

Thay mặt các giảng viên tham gia khóa tập huấn, TS Dương Tuấn Anh, Phó Trưởng Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Ngoại giao hỗ trợ công việc giảng dạy cho các giáo viên ở nước ngoài, đóng góp vào thành công của chương trình khóa tập huấn.

Đại diện các thầy cô giáo NVNONN về tham gia khoá tập huấn lần này, cô Nguyễn Thị Thu Huyền, học viên từ Lào, cho biết, đối với cộng đồng NVNONN, tiếng Việt là niềm tự hào dân tộc, là điểm tựa vững chắc cho văn hóa truyền thống.

Khai giảng Khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài năm 2023
Cô Nguyễn Thị Thu Huyền, học viên về từ Lào, chia sẻ tại buổi lễ. (Ảnh: Lê An)

Với nỗ lực miệt mài của hàng ngàn giáo viên và tình nguyện viên NVNONN, công cuộc truyền bá tiếng Việt cho các thế hệ người Việt Nam thứ hai, thứ ba sinh ra và lớn lên ở nước ngoài đã và đang gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng.

Cô Huyền khẳng định sẽ cùng các học viên học tập thật tốt để nâng cao kiến thức cũng như nghiệp vụ giảng dạy; mỗi giáo viên giảng dạy tiếng Việt ở nước ngoài sẽ tiếp tục phát huy sự nghiệp “gieo chữ, trồng người”, góp phần gìn giữ và lan tỏa ngôn ngữ tiếng Việt rộng khắp trong cộng đồng người Việt trên toàn thế giới cũng như cộng đồng người nước ngoài yêu thích tiếng Việt.

Cô cũng gửi lời cảm ơn tới lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành và Ban tổ chức đã xây dựng chương trình vô cùng ý nghĩa và thiết thực và chúc khóa tập huấn thành công tốt đẹp.

Khai giảng Khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài năm 2023
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Lễ khai giảng Khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên NVNONN năm 2023. (Ảnh: Lê An)

Với số lượng khoảng 5,3 triệu người Việt Nam đang sinh sống ở trên 130 nước và vùng lãnh thổ tại tất cả các châu lục trên thế giới, việc dạy và học tiếng Việt từ lâu đã là một nhu cầu thiết yếu của cộng đồng NVNONN. Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị ra đời ngày 26/3/2004 đã tạo một bước chuyển quan trọng trong công tác về NVNONN. Nhằm đưa Nghị quyết vào cuộc sống, đề án “Hỗ trợ việc dạy và học tiếng Việt cho NVNONN” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 22/03/2004 với 4 nhóm nhiệm vụ chính đã đáp ứng thực tiễn và đang phát huy hiệu quả.

Đồng thời, Kết luận 12/KL-TW ngày 12/08/2021 về công tác NVNONN trong tình hình mới đặt ra nhiệm vụ “Đa dạng hóa các hoạt động hỗ trợ đồng bào Việt Nam ở nước ngoài gìn giữ tiếng Việt, phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Chú trọng hợp tác với nước sở tại, đổi mới, nâng cao hiệu quả, phương thức tổ chức dạy và học tiếng Việt”.

Trong bối cảnh đó, để đẩy mạnh hơn nữa công tác dạy và học tiếng Việt cho cộng đồng NVNONN, UBNV phối hợp với Vụ Giáo dục thường xuyên tổ chức các Khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên NVNONN tại Hà Nội.

Mục tiêu của khóa tập huấn:

Thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong công tác đối với NVNONN cũng như chủ trương nhất quán về đại đoàn kết dân tộc theo tinh thần Nghị quyết 36-NQ/TW, Chỉ thị 45-CT/TW và Kết luận 12/KL-TW của Bộ Chính trị về công tác NVNONN trong tình hình mới; đáp ứng tình cảm và nguyện vọng của bà con kiều bào mong muốn Chính phủ Việt Nam hỗ trợ, giúp dạy tiếng Việt cho con em mình thay vì việc học và dạy tiếng Việt như những hoạt động tự phát hoặc thông qua các hội Việt kiều, các tổ chức, các nhà hảo tâm; nâng cao chất lượng giảng dạy, trình độ chuyên môn, sư phạm của giáo viên trong việc giảng dạy tiếng Việt theo giáo trình dành riêng cho NVNONN do Bộ Giáo dục biên soạn.

Khóa tập huấn là một trong số những hoạt động gắn với công tác cộng đồng, có đóng góp tích cực trong việc xây dựng, củng cố, phát triển các tổ chức và các hoạt động về tiếng Việt trong cộng đồng với sự tham gia của các cơ quan đại diện của Việt Nam, các tổ chức và cá nhân kiều bào, sự hợp tác và hỗ trợ của sở tại.

Thông qua các hoạt động bên lề của khóa tập huấn nhằm giáo dục, tuyên truyền về lịch sử, truyền thống và bản sắc văn hóa dân tộc, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, công cuộc đổi mới toàn diện ở trong nước, gắn sự phát triển của tiếng Việt với quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế của đất nước.

Tổ chức các hoạt động thiết thực, có ý nghĩa, đảm bảo các yêu cầu về chính trị, an ninh.

Thành phần và nội dung khóa tập huấn:

- Về học viên: Là các giáo viên không chuyên và tình nguyện viên (thành thạo tiếng Việt), mong muốn dạy tiếng Việt trong cộng đồng do các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài giới thiệu.

- Về giảng viên: Là các giảng viên, chuyên gia hàng đầu về ngôn ngữ và phương pháp sư phạm của Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

- Về nội dung các buổi học: Khóa tập huấn được thiết kế với 20 buổi học chuyên môn bao gồm 3 module: Những vấn đề ngôn ngữ học đại cương và tiếng Việt; Tiếng Việt trong đời sống văn hóa Việt Nam; Phương pháp dạy học tiếng Việt và kiểm tra đánh giá.

Nội dung bài giảng tập trung chủ yếu vào phương pháp sư phạm, kiến thức văn hóa, truyền thống dân tộc Việt Nam thông qua ngôn ngữ.

Trong quá trình dạy, các giảng viên còn cung cấp thêm tài liệu tham khảo bản mềm qua email cá nhân và các website dạy tiếng Việt hữu ích. Giáo trình của khóa học đã xây dựng riêng một bài về tính vùng miền được trình bày dưới dạng đơn giản để học viên hiểu thêm về văn hóa truyền thống dân tộc Việt Nam.

- Về hoạt động ngoại khóa: Các học viên đến dự giờ, trao đổi kinh nghiệm thực tế dạy tiếng Việt tại Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm; tham gia tọa đàm “Chia sẻ phương pháp dạy tiếng Việt cho trẻ em ở nước ngoài” của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam; tham quan, tìm hiểu các địa danh, di tích lịch sử ở Hà Nội (như Lăng Bác, Phủ Chủ tịch, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng Thành Thăng Long), Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên…

https://baoquocte.vn/khai-giang-khoa-tap-huan-giang-day-tieng-viet-cho-giao-vien-nguoi-viet-nam-o-nuoc-ngoai-nam-2023-238553.html

LÊ AN/baoquocte