Kiều bào là đầu mối quan trọng cho xuất khẩu nông sản
Cộng đồng người Việt Nam ở châu Âu sẽ là nguồn thông tin quý giá, sẵn sàng cung cấp thông tin xác thực, nhanh chóng cho các DN trong nước.
Theo thống kê của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, hiện có trên 5 triệu Việt kiều sinh sống và làm việc tại 190 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đến nay, đã có khoảng 3.500 dự án, doanh nghiệp (DN) do kiều bào thành lập hoặc góp vốn tại Việt Nam với với tổng số vốn đăng ký lên đến 11 tỷ USD, trong đó có rất nhiều kiều bào đã đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Trong khi đó, với sự nỗ lực của toàn hệ thống, ngành nông nghiệp liên tục tăng trưởng và phát triển toàn diện trên các lĩnh vực. Xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản liên tục tăng cao từ 4,2 tỷ USD năm 2000 tăng lên 48,6 tỷ USD vào năm 2021.
Là DN tạo lập và kinh doanh hiệu quả tại thị trường Đức, ông Võ Văn Long, Chủ tịch Tập đoàn Thăng Long (công ty chuyên kinh doanh thực phẩm, nhà hàng với 30 cửa hàng trên khắp nước Đức, Đông Âu), đồng thời là Chủ tịch Hội DN Việt Nam tại Đức chia sẻ, thế mạnh của Việt Nam là có cộng đồng hơn 220.000 người Việt Nam đang sinh sống ở Đức. Việt Nam nên xây dựng một “cầu nối” giữa những DN Việt Nam với châu Âu thông qua DN ở Đức, vì đây là thị trường rất lớn.
“Người tiêu dùng Đức ưa chuộng hàng hóa của các quốc gia châu Á, nhưng lượng nông sản của Việt Nam vào Đức rất ít, phần lớn là hàng của Trung Quốc, Thái Lan và các nước khác. Các DN Việt kiều rất mong muốn Chính phủ tạo ra được không gian kết nối để DN trong nước cùng DN tại Đức đẩy mạnh xuất khẩu nông sản của Việt Nam”, ông Long nói.
Vị doanh nhân này cũng khuyến cáo, các DN xuất khẩu không nên coi Đức là thị trường “khó tính", bởi đây thị trường đầy tiềm năng vì hàng hóa của Việt Nam vào được Đức thì chắc chắn sẽ vào được các thị trường khác. Đáng chú ý, trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay, tại thị trường Đức tất cả các mặt hàng nông sản đều tăng giá ít nhất 30% sẽ là cơ hội tốt để hàng Việt Nam chinh phục thị trường này.
Nhận thấy Việt Nam có nguồn nông, lâm sản phong phú, đa dạng giàu tiềm năng rất lớn để xuất khẩu vào các nước châu Âu, ông Hoàng Mạnh Huê, Chủ tịch Liên hiệp Hội doanh nghiệp Việt Nam tại châu Âu cho rằng, để chinh phục thị trường EU, các DN cần tìm hiểu thị trường, pháp luật, văn hóa… Cộng đồng người Việt Nam ở châu Âu sẽ là nguồn thông tin quý giá, sẵn sàng cung cấp thông tin xác thực, nhanh chóng cho các DN trong nước.
Mặc dù vậy, ông Hoàng Mạnh Huê cũng chỉ ra, hiện nay mối liên kết giữa cộng đồng người Việt ở châu Âu với các DN trong nước đang còn lỏng lẻo. Giải quyết việc này cần phát huy vai trò của tổ chức, hiệp hội ngành nghề… trong nước trong việc tăng cường liên kết với các tổ chức, DN người Việt ở châu Âu thông qua các hội thảo, diễn đàn…
Đặc biệt, các DN trong nước cần áp dụng cơ chế mua đứt bán đoạn. Ủy ban người Việt Nam tại nước ngoài sẵn sàng là đại diện được ủy quyền để tìm kiếm khách hàng cho các DN, hoặc Hiệp hội các DN Việt kiều tại châu Âu làm đại lý hàng cho các thương hiệu của Việt Nam khi chưa được khuếch trương, quảng bá ở EU. Ngoài ra, các cơ quan này cũng có thể cùng DN Việt Nam đầu tư sản xuất, dịch vụ, bất động sản ở EU để mang lại hiệu quả lớn.
“Các cơ quan quản lý nhà nước nên tạo một trung tâm dữ liệu chung để các kiều bào và DN có thể truy cập trao đổi thông tin chặt chẽ, thuận lợi; đồng thời tận dụng tiềm năng trung tâm thương mại của người Việt ở châu Âu để đưa nông sản của Việt Nam vào tiêu thụ. Hiện, đã có hệ thống trung tâm thương mại của người Việt ở hầu hết các nước Đông Âu. 80% DN hoạt động trong đó là người Việt, trong khi hàng hóa Việt Nam được bày bán ở đây chỉ chiếm 10-15%. Đây là lợi thế rất lớn mà các DN cần tận dụng, cải thiện”, ông Huê nói.
Để tạo kết nối vững chắc hơn nữa giữa bà con kiều bào với các DN trong nước, nhiều DN kiều bào cho rằng, chuỗi sản xuất, chế biến trong nước cần nâng cao chất lượng hàng nông sản, đáp ứng quy chuẩn và thị hiếu của thị trường châu Âu là yếu tố cần đặc biệt lưu ý nhằm đẩy mạnh xuất khẩu nông sản.
Cho rằng điều kiện phát triển nông nghiệp của Israel và Việt Nam có nhiều nét tương đồng, để giúp nông nghiệp Việt “cất cánh”, bà Hồng Shurany - Việt kiều Israel đề xuất, các DN cần thực hiện tốt 3 chiến dịch: Thay đổi nhận thức cho lãnh đạo địa phương về chuẩn hóa sản xuất nông nghiệp theo hướng xuất khẩu; thay đổi cách đầu tư của DN và việc tổ chức sản xuất, làm hàng nông sản xuất khẩu để tận dụng các lợi thế thuế quan của các Hiệp định thương mại tự do (FTA); thay đổi nhận thức đối với nông dân ở các vùng nông nghiệp xuất khẩu nhằm chuẩn hóa nông nghiệp.
“Cần khai thác tốt thế mạnh từ các FTA đã ký, đẩy mạnh xuất khẩu, thu hút và tận dụng tối đa dòng vốn FDI vào nông nghiệp, nhất là nguồn lực từ quan hệ Việt kiều. Nhà nước có thể ưu tiên cho nông nghiệp công nghệ cao của Israel vào Việt Nam, phối hợp cấp quốc gia giữa 2 nhà nước Israel và Việt Nam để làm từng vùng nông nghiệp lớn cho Việt Nam”, bà Hồng Shurany nêu ý kiến./.