1/Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam vừa tổ chức tọa đàm “Phương pháp dạy tiếng Việt cho trẻ em Việt Nam ở nước ngoài”, đồng thời giới thiệu bộ sách “Chào tiếng Việt” của TS giáo dục học Nguyễn Thụy Anh. Hoạt động nằm trong khuôn khổ “Khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài năm 2022” do Bộ Ngoại giao cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, hưởng ứng cho Ngày tôn vinh tiếng Việt 8/9.
TS Nguyễn Thụy Anh từng học tập và sinh sống tại Nga. Tuy có ý định định cư lâu dài tại đây nhưng khi trở thành một người mẹ, chị luôn đau đáu nỗi lo dạy tiếng Việt cho con mình. Với chị, việc mỗi người con gốc Việt được giao tiếp, tâm tình bằng tiếng mẹ đẻ là điều vô cùng thiêng liêng. Xuất phát từ những trăn trở trên, cùng kinh nghiệm dạy học, đồng thời điều hành Câu lạc bộ “Đọc sách cùng con”, TS Nguyễn Thụy Anh cùng đội ngũ cố vấn, cộng sự đã xuất bản bộ sách “Chào tiếng Việt”, được thiết kế dành riêng cho trẻ em Việt Nam từ 6-15 tuổi đang sinh sống tại các quốc gia trên thế giới. Nội dung được biên soạn phù hợp tâm sinh lý lứa tuổi, chú trọng đến việc tạo niềm vui, sự thoải mái để trẻ tự bước vào thế giới tiếng Việt phong phú, thuần khiết. Các thầy, cô giáo và phụ huynh cũng có thể khai thác bộ sách để dạy học sinh, con em tại các nhóm lớp hay ở gia đình.
Bà Lê Hoài Thu, đại diện Trung tâm Công nghệ giáo dục, NXB Giáo dục nhận xét: “Bộ sách là một câu chuyện có mạch truyện liên kết chặt chẽ, xuyên suốt. Khi học, các nhân vật sẽ đồng hành cùng các em trong chuyến phiêu lưu trưởng thành, cùng nhau khám phá và gìn giữ tiếng Việt, cùng nhau bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước”.
2/Hiện, có tới hàng triệu người Việt đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài, dù ở nơi đâu họ cũng hướng về quê hương, về Tổ quốc. Tuy nhiên, khi những thế hệ mới sinh ra và lớn lên, việc học tiếng Việt luôn là bài toán khó đòi hỏi kỹ năng sư phạm và phương pháp khoa học hiệu quả. Chia sẻ trong buổi tọa đàm, GS Nguyễn Như Ý đánh giá: “Dạy tiếng Việt cho trẻ em người Việt ở nước ngoài là vấn đề vô cùng nan giải, việc xây dựng chương trình học cho đối tượng này cũng khó hơn xây dựng cho học sinh, sinh viên. Chính vì thế, có bốn vấn đề lớn cần đặt ra để xác định là: mục đích dạy học, người dạy học, phương pháp tiếp cận và các tài liệu dạy học đi kèm”.
Với kinh nghiệm nghiên cứu và áp dụng thực tế, TS Nguyễn Thụy Anh đã nắm bắt các thách thức để xây dựng nội dung học, phương pháp dạy phù hợp. Chị cho biết, phương pháp của mình và cộng sự dựa trên các hoạt động học mà thầy cô, gia đình có thể tổ chức cho các em ở mọi lứa tuổi chứ không đơn thuần chỉ là dạy đọc, viết. Theo đó, có thể dạy và trò chuyện với các em theo chủ đề, hướng dẫn các phương pháp tổ chức hoạt động học phong phú như chơi trò chơi, các nhiệm vụ học thông qua đó học thêm từ tiếng Việt. Ngoài ra, có thể lồng ghép âm nhạc, hội họa để khơi dậy niềm yêu thích trước khi truyền tải kiến thức tiếng Việt.
Buổi tọa đàm và giới thiệu sách còn có sự tham gia của 9 đoàn giáo viên từ Trung Quốc, Hồng Công (Trung Quốc), Nhật Bản, Thụy Điển, Lào, Pháp, Nga, Malaysia, Hà Lan... Qua đó, các nhóm cũng mở ra nhiều hướng đi mới cho nhóm giáo viên trong việc dạy tiếng Việt cho trẻ em ở nước ngoài. Chị Nguyễn Thị Anh Thơ, giáo viên thuộc đoàn Nhật Bản tâm sự: “Các lớp dạy tiếng Việt ở Nhật thường là lớp tự phát, nhỏ lẻ, nên thầy cô phải tự sáng tạo giáo án, giáo trình riêng. Chính vì thế, tôi rất vui và hy vọng bộ “Chào tiếng Việt” sẽ trở thành hệ thống, giúp đỡ cho giáo viên trong quá trình giảng dạy”.
Có thể nói, việc dạy học cho trẻ em Việt Nam sinh sống tại nước ngoài luôn là thách thức lớn cho những người chèo lái con thuyền kiến thức. Làm sao để vừa dạy tiếng Việt, vừa truyền được niềm yêu, nỗi nhớ quê hương cho các em. Đó là vấn đề mà mọi thầy cô, gia đình cần khám phá cùng con trên chặng đường phía trước.
TS Nguyễn Thụy Anh cho rằng, phương pháp dạy cần được xây dựng dựa trên thực tế cuộc sống của các em ở nơi bản địa, dựa vào chính ngôn ngữ và văn hóa nơi các em sinh sống. Người dạy phải tạo được động lực để các em cảm thấy thích thú, vui vẻ, tò mò, thậm chí tự hào về văn hóa, con người và tiếng Việt. Khi các em nảy sinh ra nhu cầu thật sự của cá nhân, việc truyền kiến thức sẽ nhanh và dễ dàng hơn. Cùng với đó, cần dựa trên quan điểm mở do mỗi quốc gia có những thay đổi khác nhau. Do đó, cần hướng tới sự chủ động, linh hoạt chứ không cứng nhắc, bất biến.
Theo Bài và ảnh: ĐỖ LÝ/Báo nhân dân