Lớp học về tư tưởng Hồ Chí Minh dành cho các học viên Bỉ

Published Date
24/08/2022

Các học viên nước ngoài lần đầu tiên được tiếp cận bài giảng về Chủ tịch Hồ Chí Minh với tiêu đề "Hồ Chí Minh, Lê-nin Đông Dương" do Phó Đại sứ Việt Nam tại Bỉ Lê Vĩnh Thắng trực tiếp giảng dạy. 

Lop hoc ve tu tuong Ho Chi Minh danh cho cac hoc vien Bi hinh anh 1

Giảng viên Lê Vĩnh Thắng, Phó Đại sứ Việt Nam tại Bỉ, giảng về tư tưởng Hồ Chí Minh cho các học viên Bỉ và các quốc gia lân cận. (Ảnh: Hương Giang/TTXVN)

Lần đầu tiên một lớp học về tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam được giảng dạy tại Bỉ.

Trong khuôn viên phủ đầy cây xanh của Trung tâm giáo dục Berlaymont, cách trung tâm thủ đô Brussels hơn 20 km, Trường Marxist 2022 mở cửa trở lại đón tiếp học viên, sau 2 năm phải đào tạo từ xa do dịch bệnh COVID-19.

Đây là trường học chuyên giảng dạy những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa Marx, các phân tích của chủ nghĩa Marx về các vấn đề lớn đương thời như chiến tranh, khủng hoảng, công lý giai cấp...

Các giảng viên là những người cấp tiến, công đoàn viên hoặc nhà khoa học, được công nhận về sự nghiêm túc trong chuyên môn. Học viên đều là những người quan tâm đến chủ nghĩa Marx. Khóa học thường xuyên diễn ra vào tháng 8 hằng năm.

Năm nay, khóa học đón tiếp gần 200 học viên người Bỉ, Pháp, Hà Lan, Thụy Sĩ. Học viên được chia thành 6 lớp khác nhau, theo những chủ đề mà họ quan tâm. Trong số các chủ đề như lịch sử của giai cấp công nhân; Đảng Cộng sản Bỉ và cuộc đấu tranh chống phátxít; Marx và cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc; mối nguy hiểm của chủ nghĩa phát xít hiện nay; tìm hiểu về chủ nghĩa tư bản…, các học viên nước ngoài lần đầu tiên được tiếp cận bài giảng về Chủ tịch Hồ Chí Minh với tiêu đề "Hồ Chí Minh, Lê-nin Đông Dương" do Phó Đại sứ Việt Nam tại Bỉ Lê Vĩnh Thắng trực tiếp giảng dạy.

Bài giảng diễn ra trong 2 ngày, với sự tham dự của 37 học viên, trong đó có nhiều học viên trẻ.

Bằng những thước phim, hình ảnh tư liệu quý giá về Bác Hồ, giảng viên Lê Vĩnh Thắng đã giới thiệu với các học viên về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người được cảnh sát Pháp gọi là "Lenin Đông Dương", người đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam giành độc lập dân tộc và mở đường đi lên chủ nghĩa xã hội.

Bài giảng đề cập từ giai đoạn lãnh tụ Hồ Chí Minh thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930, lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc chống sự chiếm đóng của phátxít Nhật, chiến thắng thực dân Pháp bằng chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Hội nghị Genève dẫn đến sự chia cắt đất nước thành hai miền Bắc và Nam.

Từ năm 1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ nhằm thống nhất đất nước. Năm 1975, Việt Nam hoàn toàn giải phóng, độc lập, cả nước bắt đầu xây dựng xã hội mới lấy chủ nghĩa xã hội làm mục tiêu. Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời năm 1969, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế yêu chuộng hòa bình. Trong bài giảng của mình, ông Lê Vĩnh Thắng cũng giới thiệu với học viên bài viết của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam.

Lop hoc ve tu tuong Ho Chi Minh danh cho cac hoc vien Bi hinh anh 2

Quang cảnh lớp học. (Ảnh: Hương Giang/TTXVN)

Trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, giảng viên Lê Vĩnh Thắng bày tỏ niềm xúc động khi được giảng về tư tưởng Hồ Chí Minh cho các học viên nước ngoài. Ông cho biết sự quan tâm của các học viên rất tích cực. Sự hiểu biết của họ về tư tưởng Hồ Chí Minh và các thách thức đối với Việt Nam trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội chưa nhiều. Đây là cơ hội để quảng bá những thành tựu mà chúng ta đã đạt được và con đường mà chúng ta hướng tới trong giai đoạn tiếp theo.

Ông Wiebe Eekman, Đảng viên Đảng Lao động Bỉ (PTB), người đã từng dịch Lịch sử Đảng Lao động Việt Nam từ tiếng Pháp sang tiếng Hà Lan để sử dụng trong phòng trào ở Bỉ, bồi hồi nhớ lại thời sinh viên những năm 1965 khi ông tích cực tham gia các hoạt động ủng hộ phong trào chống chiến tranh Việt Nam.

Ông cho biết lý do dịch cuốn Lịch sử Đảng Lao động Việt Nam là muốn quảng bá cho các đảng viên cộng sản Bỉ hiểu về phong trào cách mạng chính nghĩa ở Việt Nam. Nay được tham gia khóa học về tư tưởng Hồ Chí Minh càng giúp ông hiểu hơn về Người, một nhà cách mạng lỗi lạc mà ông vô cùng kính trọng và mang lại cho ông niềm hứng khởi.

Tư tưởng Hồ Chí Minh, nguồn cảm hứng vô tận

Là những thanh niên sống ở vùng Bretagne, miền Tây Bắc nước Pháp, cách Brussels gần 700 km, anh Marwan Zbib và Leo Galliou cho biết họ đăng ký theo học chủ đề này "vì muốn hiểu Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập như thế nào và hoạt động ra sao mà đến nay lại phát triển mạnh đến thế".

Anh Marwan Zbib cho biết đã hiểu được vấn đề cơ bản về lịch sử hình thành và phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam và quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Anh rất thích thú "khi được biết tới những dữ liệu lịch sử về sự phát triển của Việt Nam cũng như chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam".

[Lào: Tọa đàm về tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với thế hệ trẻ]

Còn anh Leo Galliou cũng tỏ rõ sự hào hứng khi hiểu được tư tưởng Hồ Chí Minh bắt nguồn từ cội nguồn dân tộc, từ cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, chống chủ nghĩa thực dân, đế quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Marwan Zbib và Leo Galliou cho biết qua sách báo, các anh nghe nói rất nhiều về Việt Nam, về Đảng Cộng sản Việt Nam, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của đất nước Việt Nam cùng với nền kinh tế rất năng động, cởi mở. Điều này khiến các anh mong muốn tìm hiểu những cách thức để Việt Nam đạt được những thành tựu được thế giới ngợi ca.

Lop hoc ve tu tuong Ho Chi Minh danh cho cac hoc vien Bi hinh anh 3

Giảng viên Lê Vĩnh Thắng, Phó Đại sứ Việt Nam tại Bỉ, trao đổi với học viên. (Ảnh: Hương Giang/TTXVN)

Là một trong những học viên nhiều tuổi nhất của lớp học, bà Leen Swinnent, 67 tuổi, người Bỉ, rất phấn khởi khi đã tìm ra "chân lý" trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Bà đã thấy rõ lý thuyết và thực tiễn của con đường giải phóng dân tộc mà Bác Hồ đi theo trong bộ phim "Hồ Chí Minh - Chân dung một con người" được giới thiệu trong lớp học. Bà ấn tượng với phát biểu của Bác khi kêu gọi phát huy khối đại đoàn kết dân tộc trong một đại gia đình Việt Nam.

Bà nói rằng bà có biết về cuộc chiến tranh Việt Nam nhưng chưa biết tư tưởng Hồ Chí Minh. Qua bài giảng về Người, bà học được rất nhiều từ dân tộc Việt Nam. Bà xúc động mạnh khi thấy hình ảnh những người phụ nữ theo học các lớp xóa mù chữ buổi tối hay ôm vác vũ khí chui trong những hầm tối để tham gia chiến đấu vì độc lập, tự do của dân tộc.

Cũng là một người rất quan tâm đến chủ nghĩa xã hội, anh Antoine Bertulot, người Bỉ nhấn mạnh bất cứ ai trên thế giới đấu tranh cho tự do hoặc cho chủ nghĩa xã hội đều có thể rút ra nguồn cảm hứng từ tư tưởng Hồ Chí Minh và kinh nghiệm của nhân dân Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã áp dụng những nguyên lý của chủ nghĩa Marx-Lenin cho cuộc cách mạng ở Việt Nam.

Anh Antoine Bertulot cho biết: "Ở châu Âu có các quốc gia độc lập, nhưng chúng tôi vẫn sống dưới chế độ tiền bạc, chủ nghĩa tư bản và chúng tôi phải liên tục đấu tranh cho quyền của mình. Chúng tôi muốn áp dụng những nguyên tắc tương tự này cho cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở châu Âu. Tư tưởng cũng là phong cách Hồ Chí Minh, khiêm tốn, thực tế. Ông là một trí thức, nhưng ông đã tiếp xúc với công nhân, tiếp xúc với nông dân.Theo tôi, đây là điều mà mọi người có thể làm ở đất nước chúng ta, phải tiếp xúc với người dân, giống như cá bơi trong nước, trong nhân dân".

Giải thích lý do đưa chủ đề về tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ nghĩa xã hội Việt Nam vào chương trình giảng dạy của khóa học năm nay, ông Maxence Staquet, Hiệu trưởng Trường Marxist, cho biết ở Bỉ và châu Âu rất ít báo chí nói tới Việt Nam. Ngay bản thân ông mới chỉ biết Việt Nam qua các cuộc chiến tranh nhưng hiện nay, Việt Nam đang phát triển rất nhanh và có nhiều thành tựu trong cuộc chiến chống đói nghèo và đảm bảo công bằng xã hội. Do đó, nhà trường muốn quảng bá về con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam mà người khởi xướng và lãnh đạo là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Hiệu trưởng Maxence Staquet khẳng định: "Với sự quan tâm nhiệt tình và hứng khởi của học viên, chủ đề về Việt Nam sẽ tiếp tục được chúng tôi cập nhật trong chương trình đào tạo của nhà trường trong thời gian tới"./.

https://www.vietnamplus.vn/lop-hoc-ve-tu-tuong-ho-chi-minh-danh-cho-cac-hoc-vien-bi/812644.vnp

Hương Giang-Đức Hùng (TTXVN/Vietnam+)