NGHỊ QUYẾT 36-NQ/TW: 20 NĂM NHÌN LẠI

Published Date
14/05/2024

Năm 2024 kỷ niệm 20 năm ra đời Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị (khóa IX) về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 36). Nghị quyết 36 là kim chỉ nam cho hoạt động của Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành, địa phương trong triển khai thực hiện công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Qua 20 năm, Nghị quyết 36 vẫn còn nguyên ý nghĩa và giá trị.

Nghị quyết 36 ra đời từ nhu cầu của thực tế

Nghị quyết 36 được ban hành ngày 26/3/2004, xuất phát từ yêu cầu thực tế. Khi đó, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có khoảng 2,7 triệu người, riêng tại Mỹ đã có khoảng gần 2 triệu người. Chính vì thế, Nghị quyết 36 đã đi vào cuộc sống, đi vào lòng người và có tác động mạnh mẽ tới chính sách đại đoàn kết dân tộc.


Phó Chủ nhiệm Trần Đức Hiển điều hành kết nối diễn đàn doanh nghiệp
Gần 30 năm sau ngày thống nhất hoàn toàn đất nước, non song về một dải, Nghị quyết 36 về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài đã được ban hành trở thành một dấu mốc quan trọng về tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, giúp phát huy, thu hút nguồn lực kiều bào cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Có thể nói, Nghị quyết 36 ra đời là một bước ngoặt về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài; là cơ sở để triển khai đồng bộ công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài từ Trung ương tới địa phương cũng như ở các bộ, ban, ngành.

Nghị quyết 36 được ban hành với mong muốn củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc; tăng cường sự hiểu biết và gắn bó giữa cộng đồng người Việt Nam ở trong và ngoài nước; tạo sự đồng lòng trong đại gia đình cộng đồng người Việt Nam chung tay xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu mạnh và hùng cường. Nghị quyết 36 cũng tạo điều kiện cho bà con người Việt Nam ở nước ngoài có điều kiện gắn bó với quê hương, có nhiều cơ hội hướng về Tổ quốc, đáp ứng lòng mong mỏi của bà con xa quê hương muốn đóng góp xây dựng quê hương, đất nước.

Nghị quyết 36 giúp cho cộng đồng người Việt Nam ở người ngoài ngày càng lớn mạnh và đóng góp cho sự phát triển của đất nước

Vị trí, vai trò của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã được xác định rõ trong Nghị quyết 36: “Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực quan trọng của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các nước.” Trong 20 năm qua, cộng đồng người Việt Nam ở người ngoài không ngừng lớn mạnh, cả về lượng và về chất.

Từ khoảng 2,7 triệu người vào thời điểm ban hành Nghị quyết 36, sau 20 năm cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đến nay đã có khoảng 6 triệu người sinh sống, làm việc, học tập tại 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó trên 80% là tại các nước phát triển.

Về nguồn lực tri thức, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhân lực chất lượng cao. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện có khoảng 600 nghìn người Việt Nam ở nước ngoài có trình độ trên đại học, trong đó có nhiều nhà khoa học tên tuổi ở các lĩnh vực mà Việt Nam có nhu cầu như y dược, công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, chế tạo máy, công nghệ sinh học, công nghệ vũ trụ, công nghệ nano, vật liệu mới, năng lượng v.v… Đội ngũ trí thức người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng kết nối với nhau, tập hợp trong những hội, mạng lưới trí thức. Sự kết nối này đang tạo ra các cơ chế làm việc, hợp tác ngày càng linh hoạt và tập trung được các chuyên gia khi tham gia vào các dự án.

Đoàn đại biểu kiều bào đi thăm Quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1

Về nguồn lực kinh tế. Cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp người Việt Nam ở nước ngoài có đóng góp quan trọng đối với việc xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, quảng bá sản phẩm Việt Nam. Tổng lượng kiều hối gửi về nước, tính từ năm 1993 đến 2022 đạt trên 190 tỷ USD, gần bằng nguồn vốn FDI đã giải ngân trong cùng kỳ. Năm 2023, kiều hối gửi về đạt khoảng 16 tỷ USD, tăng 32% so với năm trước, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh tiếp nhận gần 9,5 tỷ USD, chiếm gần 60% của cả nước. Kiều hối là một trong những nguồn cung góp phần bảo đảm quan hệ cung cầu ngoại tệ, đồng thời hỗ trợ hiệu quả cho chính sách tiền tệ, tỷ giá và thị trường ngoại hối.

Ngoài ra nguồn lực “mềm” cũng là thế mạnh của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Cộng đồng người Việt Nam ở các nước ngày càng hội nhập sâu vào xã hội sở tại, có vị thế vững chắc hơn, tham gia vào hệ thống chính trị ở các cấp độ khác nhau như nghị sĩ liên bang, tiểu bang, hội đồng thành phố. Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cũng đóng góp to lớn trong việc phát huy vai trò cầu nối văn hóa, ẩm thực, ngôn ngữ, quảng bá hình ảnh đất nước, xúc tiến du lịch; tham gia các chương trình từ thiện, nhân đạo, đóng góp tài chính và vật chất ủng hộ đồng bào trong nước khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh,...

Chủ trương của Nghị quyết 36 tiếp tục được duy trì và phát huy

Xuất phát từ thành công của Nghị quyết 36 đối với công tác về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 45 – CT/TW ngày 19/5/2015 về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị khóa IX về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới.

Xuất phát từ những bài học kinh nghiệm được đúc rút trong quá trình triển khai, trong bối cảnh mới của thế giới, của đất nước và của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 12-KL/TW ngày 12/8/2021 về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới.

Ngày 10/11/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1334/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Phát huy nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ phát triển đất nước trong tình hình mới”, trong đó đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tóm lại, sau 20 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 36 cùng với việc thực hiện Chỉ thị 45 và Kết luận 12 của Bộ Chính trị, với nỗ lực của tất cả các cấp, các ngành, công tác về người Việt Nam ở nước ngoài đã đạt được những kết quả tích cực, tạo nền tảng phát triển trong tình hình mới. Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng tin tưởng vào công cuộc đổi mới của Đảng và Nhà nước; xu hướng đồng thuận và ủng hộ cho sự nghiệp phát triển đất nước ngày càng tăng.

Trần Đức Hiển, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố Hồ Chí Minh