“Dựa theo tiêu chuẩn quyền con người vốn là giá trị quý giá nhất của chung nhân loại - qua đó có thể đánh giá trình độ phát triển của mỗi dân tộc, chúng ta tự hào Bộ luật Hồng Đức như bộ luật nhân quyền đầu tiên của người Việt mà vị vua thứ tư của triều đại Hậu Lê (1428 - 1789) là vua Lê Thánh Tông (1442 - 1497, trị vì: 1460 - 1497) đã dày công tổng hợp, sáng tạo nên.
|
Tác phẩm Nhân quyền của người Việt từ Bộ luật Hồng Đức đến Bộ luật Gia Long được NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành. Ảnh: TRẦN ĐÌNH BA |
|
Vua Lê Thánh Tông xứng danh một chiến sĩ tiên phong vĩ đại của phong trào quốc tế vì quyền con người ở khu vực Đông Nam châu Á lúc bấy giờ, dù vào thế kỷ XV, khái niệm về nhân quyền chưa xuất hiện”. Đó là lời nhận định của hai tác giả Phan Đăng Thanh và Trương Thị Hòa trong công trình nghiên cứu vừa mới được NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành mang tên Nhân quyền của người Việt từ Bộ luật Hồng Đức đến Bộ luật Gia Long.
Tác phẩm này được chia thành 5 chương với Chương I và Chương II tìm hiểu về Quốc triều hình luật, hay Lê triều hình luật, còn được gọi là luật Hồng Đức, được biên soạn, phát hành thời vua Lê Thánh Tông.
Qua các chương, điều được quy định tại Bộ luật Hồng Đức, các tác giả sau khi tìm hiểu, đã chứng minh rằng, đây là bộ luật đầu tiên ở Việt Nam đề cao nhân quyền. Những quyền cơ bản của con người đã được thể hiện rõ trong Bộ luật Hồng Đức xen kẽ giữa các điều luật khác nhau.
Trong những quyền con người được đề cập bởi luật thời Hậu Lê, có cả quyền về giới tính, độ tuổi như quyền của phụ nữ, quyền của trẻ em, của người cao tuổi, của người khuyết tật. Những quyền liên quan đến tự do cá nhân như bảo đảm an ninh, an toàn cá nhân, không bị quấy nhiễu; quyền hôn nhân tự nguyện; quyền tự do đi lại, cư trú cũng được đề cập tới.
Một trang trong sách Nhân quyền của người Việt từ Bộ luật Hồng Đức đến Bộ luật Gia Long. Ảnh: TRẦN ĐÌNH BA |
Tính nhân văn, nhân bản của Bộ luật Hồng Đức về nhân quyền cũng được thể hiện qua các quyền như quyền được đối xử nhân đạo của tù bình, hàng binh và dân thường trong chiến tranh; quyền được hưởng an sinh xã hội - quyền của người bất hạnh, yếu thế trong xã hội.
Đơn cử như quyền hôn nhân tự nguyện, các tác giả đã dẫn ra trong bộ luật này, có nhiều điều bảo vệ cho sự tự do trong hôn nhân qua các điều 314, 317, 318, 319, 338… “Con gái hứa gả chồng mà chưa thành hôn, nếu người con trai bị ác tật hay phạm tội hoặc phá tán gia sản, thì cho phép người con gái được kêu quan mà trả đồ lễ. Nếu người con gái bị ác tật hay phạm tội thì không phải trả đồ lễ; trái luật thì xử phạt 80 trượng”, Điều 322 quy định.
Khác với nhiều tác giả trước đó, khi đề cập đến Hoàng Việt luật lệ, tức Bộ luật Gia Long của nhà Nguyễn, đã phê phán, chê trách bộ luật này sao chép quá nhiều nội dung từ luật lệ nhà Thanh, làm mất đi bản sắc, tính dân tộc của luật lệ nước nhà; ở ba chương sau, tác phẩm này chứng minh rằng, ngược lại, Bộ luật Gia Long có những sáng tạo mới mẻ, áp dụng phù hợp với thực tế nước nhà.
Đồng thời, bộ luật này đã “nghiêm cẩn kế thừa Bộ luật Hồng Đức. Gần như điều nào bảo vệ quyền con người quy định trong Bộ luật Hồng Đức đều được Bộ luật Gia Long bảo lưu và phát triển. Việc gì không ghi trong Bộ luật Gia Long thì để cho tục lệ điều chỉnh. Không có điều luật nào của Bộ luật Gia Long minh thị bãi bỏ điều luật nào của Bộ luật Hồng Đức”.
Từ đó, các tác giả cũng đưa ra đề nghị “cần có thêm nhận thức khách quan, khoa học và cần trả lại sự công bằng cho Bộ luật Gia Long. Và kết luận khi kết thúc tác phẩm Nhân quyền của người Việt từ Bộ luật Hồng Đức đến Bộ luật Gia Long: “Bộ luật Hồng Đức và Bộ luật Gia Long xứng đáng là cột mốc lịch sử, một đóng góp quan trọng của dân tộc Việt Nam vào giá trị nhân quyền cao quý của nhân loại”.
Theo TRẦN ĐÌNH BA/Báo Pháp luật Tp.HCM