Ông Ishikawa Bunyo: Thế hệ trẻ Việt - Nhật nên biết về chiến tranh để trân trọng hòa bình
Ngày 4/3, tại Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) diễn ra buổi nói chuyện chuyên đề "Việt Nam trong mắt cựu phóng viên chiến trường Ishikawa Bunyo". Trò chuyện cùng sinh viên Việt Nam, ông Ishikawa Bunyo bày tỏ: "Người trẻ Việt Nam và Nhật Bản đều nên biết chiến tranh là gì, nó đã từng diễn ra như thế nào. Biết để mà trân quý giá trị của hòa bình hôm nay".
Ở tuổi 86, dù phải chống gậy để bước đi nhưng cựu phóng viên chiến trường Ishikawa Bunyo vẫn nhớ như in những năm tháng sống và làm việc tại Việt Nam từ giữa thập kỷ 60 của thế kỷ trước trong vai trò phóng viên ảnh. Ông đã tới những nơi tàn khốc nhất của cuộc chiến và ghi lại nhiều khoảnh khắc của người dân trong chiến tranh.
Cựu phóng viên chiến trường Ishikawa Bunyo (thứ hai, từ phải qua) tại buổi giao lưu. (Ảnh: KT)
Ông kể: một lần bắt gặp khoảnh khắc những người lính Mỹ đang cười trước cái chết của những người lính du kích Việt Nam, tôi đã chụp lại. "Người lính du kích bị giết cũng có cuộc đời, có gia đình của họ. Nhưng ở chiến trường, người ta không nghĩ gì đến cuộc đời của đối phương", báo Tuổi trẻ dẫn lời ông tại buổi nói chuyện.
Ông Ishikawa Bunyo là một trong những phóng viên chiến trường hiếm hoi có thể đến và tác nghiệp được ở cả miền Bắc và miền Nam Việt Nam trong chiến tranh. Bảy lần bị thương suýt chết ở chiến trường miền Nam Việt Nam không làm ông Ishikawa Bunyo chùn bước. Những bức ảnh chụp ở chiến trường lúc bấy giờ đã trở thành “giấy giới thiệu” hết sức hữu hiệu để ông có thể đặt chân lên cả miền Bắc Việt Nam, chụp những hình ảnh của chiến tranh phá hoại do không quân và hải quân Mỹ thực hiện.
Trong một lần trao đổi với báo chí, bà Huỳnh Ngọc Vân, nguyên Giám đốc Bảo tàng chứng tích chiến tranh, một người bạn của ông Ishikawa Bunyo kể: Dù bà Kei, vợ ông Ishikawa Bunyo đã ra sức số hóa nhiều ảnh ông chụp, lưu trữ bằng đĩa, ông vẫn quý những tấm phim đã đồng hành với mình suốt 50 năm qua, đặc biệt là về Việt Nam. Bên cạnh cảnh chiến sự, cảnh hành quân của lính Mỹ, lính Hàn Quốc ở miền Nam Việt Nam, ông còn ghi lại nỗi đau thương của người dân Việt Nam chạy loạn, bị mất người thân, bị bắt bớ, tra tấn... Nhưng khi Việt Nam thanh bình, chính ông đã đi tìm lại những “nhân vật” của các bức ảnh chiến tranh xưa, chụp lại cuộc sống của họ ngày nay, dù nghèo khó hay khá giả, vẫn với nụ cười trên môi... Những nụ cười bình dị, hồn nhiên của người dân Việt Nam từ vùng cao đến đồng bằng thành một đề tài lớn cho ông về sau.
Nghĩ về chiến tranh khi xưa và hòa bình hôm nay, Ishikawa Bunyo cho biết: " Với tôi, hòa bình chỉ đơn giản là khi con người ta có thể sống một cuộc sống bình thường như: đi học, đi làm, đọc sách, làm nông...".
Theo bà Huỳnh Ngọc Vân, ông Ishikawa Bunyo sinh ra ở Okinawa (Nhật Bản). Ông có tuổi thơ nhọc nhằn, phải đi học bổ túc văn hóa ban đêm, rồi làm thợ chụp ảnh và bắt đầu công việc của phóng viên chiến trường từ chiếc máy ảnh Nikon, từ bộ đồng phục cỡ nhỏ nhất (vì ông rất thấp bé). Ông Ishikawa Buny thích rượu Lúa mới của Việt Nam, thích rau muống xào tỏi chấm nước mắm sống. Ở Nagano nhưng ông luôn uống cà phê Việt Nam.
Minh Thái - https://thoidai.com.vn/ong-ishikawa-bunyo-the-he-tre-viet-nhat-nen-biet-ve-chien-tranh-de-tran-trong-hoa-binh-197358.html