Thu hút nhân tài: "Người ta đã từ bỏ địa vị giàu sang thì mình phải trọng dụng họ"
"Người ta sẵn sàng từ bỏ địa vị giàu sang để về đồng cam cộng khổ với đồng bào trong nước thì mình phải trọng dụng họ", Đại sứ Hà Kim Ngọc nhắc lại cách khéo dùng người tài đức của Bác Hồ để nói về việc trọng dụng nhân tài và phát huy tiềm năng lớn của trí thức Việt kiều.
“Người ta đã từ bỏ địa vị giàu sang để về đồng cam cộng khổ thì phải trọng dụng họ”
Trả lời phỏng vấn báo chí bên lề Hội nghị Ngoại vụ lần thứ 20, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ - ông Hà Kim Ngọc đánh giá “tiềm năng của trí thức người Việt tại Mỹ là rất lớn”.
Theo Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, về mặt số lượng, trí thức người Việt tại Mỹ là 200.000, chiếm đến một nửa tổng số tri thức người Việt ở nước ngoài, hiện là trên 400.000.
Đại sứ Việt Nam tại Mỹ - ông Hà Kim Ngọc.
Đây cũng là cộng đồng có học vấn rất cao trong các cộng đồng nhập cư ở Mỹ. Tính ra, đến trên 55% trong số đó là trình độ Đại học hoặc tương đường, 23% có bằng thạc sĩ, cao hơn tỷ lệ trung bình ở Mỹ và 10% có bằng tiến sĩ.
Đặc biệt, có rất nhiều trí thức có tên tuổi ở Mỹ, nhất là trong những lĩnh vực như khoa học, kỹ thuật cơ bản, vật lý, vũ trụ, công nghệ thông tin... Có nhiều người đã được vinh danh thời gian qua.
“Chúng tôi nhận thấy đây là nguồn lực rất lớn để có thể tận dụng, đóng góp vào sự phát triển đất nước và đặc biệt là các địa phương. Vừa qua, có nhiều trí thức người Việt về nước, hợp tác về đào tạo, giáo dục, thậm chí làm những dự án về khởi nghiệp, hỗ trợ cho các địa phương. Tuy nhiên, đây chỉ là bước khởi đầu. Tiềm năng còn rất lớn nên chúng ta cần phải huy động nguồn lực này đóng góp cho đất nước”, Đại sứ Hà Kim Ngọc cho hay.
Theo Đại sứ, bản thân trí thức người Việt ở nước ngoài rất mong đóng góp cho đất nước. Ông chia sẻ ông đã gặp một trí thức trẻ là Kendrick Nguyễn – người rất mong mỏi được đóng góp cho đất nước. Chỉ cuộc gặp cách đó 1 tuần, công ty của doanh nhân gốc Việt này đã trở thành công ty 1 tỷ USD.
Đại sứ Hà Kim Ngọc chia sẻ, điều quan trọng là làm sao chúng ta tạo được môi trường hấp dẫn và cuốn hút giữa sự cạnh tranh như hiện nay.
Ông nói: “Các bạn ấy nói rằng các bạn có thể đầu tư ở Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Brazil nhưng các bạn ấy vẫn muốn về Việt Nam” và lý do đầu tiên để họ trở về Việt Nam là đóng góp cho quê hương, đất nước.
Đại sứ Hà Kim Ngọc cũng cho rằng, để hiện thực hóa câu chuyện đó, phải có cơ chế chính sách ở trong nước.
“Làm sao để chúng ta có một môi trường làm việc hấp dẫn, có đủ phương tiện để làm việc và điều rất quan trọng là phải trọng dụng nhân tài? Có nhiều câu chuyện đã thành công nhưng có những trí thức Việt kiều trở lại Mỹ nói với chúng tôi rằng: ‘Chúng em không được sử dụng như những trí thức trong nước hay nước ngoài, dù chúng em có trình độ không kém gì họ, thậm chí còn hơn và hiểu về Việt Nam”, ông chia sẻ về những khó khăn mà những trí thức gặp phải khi họ trở về Việt Nam.
Đại sứ Hà Kim Ngọc cho biết: “Đây là vấn đề trong hội nghị tôi đã có kiến nghị, song các địa phương phải có chính sách cụ thể, phát huy thế mạnh của địa phương mình, xuất phát từ nhu cầu của mình, đặc biệt là có chế độ ưu đãi cho trí thức và doanh nghiệp Việt kiều. Ở đây, điều quan trọng nhất tôi muốn nhấn mạnh là việc trọng dụng nhân tài”.
Đại sứ cũng nhắc lại thời kỳ sau Cách mạng tháng 8, Bác Hồ đã thu hút được nhiều đại trí thức về nước như: Trần Đại Nghĩa, Lương Định Của…
"Người ta sẵn sàng từ bỏ địa vị giàu sang để về đồng cam cộng khổ với đồng bào trong nước thì mình phải trọng dụng họ", Đại sứ Hà Kim Ngọc cho hay.
Trọng dụng nhân tài như trân trọng con ong kiếm mật
Từ thực tế, Đại sứ Hà Kim Ngọc đã đưa ra một số kiến nghị nhằm thu hút kiều bào trí thức và trọng dụng nhân tài. Theo đó, trước tiên, các cơ quan hữu quan Trung ương phải đưa ra những biện pháp rất thiết thực và hiệu quả để thu hút kiều bào trí thức.
Đại sứ cũng đề cập đến cơ chế tiếp nhận, xử lý, phản hồi những sáng kiến và khuyến nghị. Theo Đại sứ Hà Kim Ngọc, mỗi một cuộc gặp có rất nhiều sáng kiến được đưa ra nhưng sau đó, có thể do các cơ quan trong nước bận nên chưa phản hồi được một cách chi tiết, cụ thể về việc vận dụng được những khuyến nghị đó như thế nào, phát huy được những điểm gì.
“Đôi khi các trí thức người Việt có cảm giác những sáng kiến của họ chưa được tận dụng đúng mức. Việc đó không tạo được động lực để họ tiếp tục. Giống như con ong kiếm mật, những người thụ hưởng phải trân trọng nó”.
Về phía các địa phương, Đại sứ cho rằng có 3 việc cần làm gồm: tạo ra môi trường, cơ sở hạ tầng và chế độ chính sách để khuyến khích và trọng dụng nhân tài. Cụ thể, phải đi vào những lĩnh vực của thời đại, ưu tiên rất cao như công nghệ cao, đổi mới. Các địa phương nếu đầu tư đúng vào những cái mới đó sẽ phát huy được sở trường của các trí thức của mình và tạo ra môi trường thực sự hấp dẫn để họ trở về./.