Trẻ Việt kiều Ukraine học con chữ ở quê hương
TTO - Trong khi chờ đợi chiến tranh kết thúc, bà con kiều bào Việt trở về từ chảo lửa Ukraine đang làm quen với cuộc sống nơi quê nhà như tập lái xe vôlăng bên trái, tìm công việc tạm thời, đặc biệt là cho con trẻ học ở quê nhà...
Buồn, lo tài sản còn kẹt ở Ukraine nhưng tôi cũng tranh thủ đi du lịch trong nước cùng gia đình. Đây là khoảng thời gian gia đình tôi được ở lại quê hương lâu nhất.
Chị Nguyễn Thị Trang
Gia đình chị Nguyễn Thị Trang (quê Thọ Xuân, Thanh Hóa) may mắn được về nước trong chuyến bay đầu tiên vào ngày 8-3-2022. "Chúng tôi chẳng kịp mang theo thứ gì cả, nhưng lại đang được sống trong tình yêu thương của gia đình và xóm làng", chị Trang chia sẻ.
Vòng tay người thân
Từ ngày về, gia đình chị Trang ở bên ngoại nửa tháng rồi lại về bên nội ở. Trong căn nhà nhỏ, ông bà nội đã dành một chỗ đủ để vợ chồng chị ngủ nghỉ cho đến khi có thể trở lại quê hương thứ hai.
Chị Trang đã đến Ukraine từ 17 năm trước, làm việc và lập gia đình với người chồng cùng quê. Lần về thăm quê gần nhất của hai vợ chồng đã cách nay hơn 10 năm.
Đây cũng là lần đầu hai con trai chị được về nước gặp ông bà, biết về cội nguồn của mình. "Những ngày mới về, các con ít giao tiếp vì mọi người đều lạ lẫm, chỉ thích chơi điện thoại. Hôm tôi đưa con ra cánh đồng dạo chơi, thấy con thích thú chạy nhảy nên mỗi chiều vợ chồng hoặc ông bà lại đưa các con ra ngoài nhìn ngắm cảnh quê", chị Trang cười nói.
Gia đình anh Đỗ Mạnh Dũng (quê Hải Hậu, Nam Định) cũng đang làm quen với cuộc sống mới ở quê nhà sau 14 năm ở Ukraine. Đầu tiên, hai vợ chồng và con cái phải làm quen với thời tiết nắng nóng khác với xứ băng tuyết.
"Vì chưa quen múi giờ nên mấy hôm đầu các cháu ngủ dậy muộn và có vẻ mệt mỏi, bây giờ thì quen rồi. Tôi đang xin nhập học tạm thời cho các cháu, bà nội là giáo viên nên ở nhà dạy tiếng Việt thêm", anh Dũng vui vẻ nói. Hai con anh năm nay mới 6 tuổi và 1 tuổi rưỡi, cũng lần đầu về quê ông bà.
Một gia đình 7 người gồm con cháu của ông Trương Xuân Sang (ở phường Thạch Linh, TP Hà Tĩnh) đã ổn định chỗ ở sau khi về từ Ukraine. Dù ở thành phố nhưng may mắn gia đình ông vẫn có chỗ ở cho hai cặp vợ chồng trẻ cùng con thơ. Chị Trần Thị Hương, con dâu út ông Sang, đang bận rộn với hai con nhỏ 6 tuổi và 3 tuổi. Vợ chồng chị cũng muốn tìm việc làm.
Con học tiếng Việt, mẹ bán hàng
Con trai lớn của chị Nguyễn Thị Trang học lớp 7, hằng ngày vẫn học online với giáo viên ở Ukraine. Nhưng ngôn ngữ chủ yếu là tiếng Ukraine và tiếng Nga. Tiếng Việt nói được, đọc viết tạm được nhưng chưa hiểu nghĩa trong các bài giảng.
"Tôi đang dạy thêm tiếng Việt để cháu có thể nhập học ở quê. Chương trình học ở quê có vẻ "nặng", trước hết tôi để cháu làm quen dần" - chị Trang cho biết. Chị Trang đang làm thủ tục nhập học cho hai con, nhà trường cũng chào đón các cháu vào học nên vợ chồng chị khá yên tâm.
Sau thời gian nghỉ ngơi, chị Trang đang tìm kiếm việc làm tạm thời vì chiến tranh vẫn chưa biết ngày nào kết thúc. "Một số chị em chúng tôi đang tập thử buôn bán ở quê xem sao, tôi bán hàng online mỹ phẩm nhập khẩu. Có người nhập quần áo về bán, cũng giống bên kia.
Có điều buôn bán cũng phải có phương tiện đi lại, bây giờ chúng tôi không có bằng lái ở Việt Nam nên sẽ mất nhiều thời gian. Chồng tôi có bằng lái ôtô bên kia, nhưng ở bên này ngồi cầm vôlăng bên trái nên đang phải học lại", chị Trang cười nói.
Vợ chồng anh Đỗ Mạnh Dũng cũng đang dự tính công việc lâu dài, với dự định sẽ ở lại Việt Nam. Vì theo anh, khi chiến tranh kết thúc và đất nước Ukraine an toàn thì người lao động mới có thể quay trở lại. Để khôi phục đất nước bị tàn phá nặng nề sau chiến tranh sẽ mất thời gian và tốn kém.
Nhờ công việc buôn bán ở chợ trước kia, vợ chồng anh tích góp được ít vốn liếng đem về nước. Bây giờ là lúc anh muốn đầu tư số tiền đó, tìm cách làm giàu trên chính quê hương mình.
"Thời gian qua tôi đã tìm hiểu về việc làm ăn ở Việt Nam, thời buổi 4.0 rồi nên mọi thứ cảm thấy dễ dàng hơn. Tôi sẽ khởi nghiệp một lần nữa, thử sức ở một lĩnh vực khác xem khả năng của mình đến đâu" - anh Dũng nói đang làm thủ tục nhập hộ khẩu cho các con, để con học hành ở quê, không đưa sang Ukraine nữa.
Từ khi con tập nói, vợ chồng anh Dũng đã dạy tiếng Việt nên con trai lớn đã nói sõi và biết hết mặt chữ cái. Mỗi ngày, bà nội còn treo bảng chữ cái rồi gọi các cháu đến dạy ghép chữ. Bà làm giáo viên có kinh nghiệm, dạy như chương trình trên lớp nên các con anh tiếp thu dễ dàng.
Bồn chồn ngóng tin
Phần lớn người Việt ở Ukraine làm công việc buôn bán hàng hóa ở chợ, buôn vải, quần áo, đồ ăn, trái cây. Nhưng chuyến di tản đột xuất, không ai kịp bán tháo, cũng không ai mang theo được thứ gì.
Đến nay chị Trang có rất ít thông tin, khu chợ của người Việt ở Odessa nơi chị bán hàng tuy chưa bị bom đạn nhưng việc mất cắp khó tránh khỏi. "Bảo vệ còn lại rất ít, chợ thì rộng, người buôn bán và người dân đã di tản hết nên không biết hàng hóa ra sao".
Chị Trang, với tâm trạng căng thẳng, chia sẻ: "Việc buôn bán mới bắt đầu vào vụ xuân, người đi buôn vừa dốc toàn bộ vốn liếng để lấy đợt hàng mới. Tiền đều ở hàng, mà hàng giờ quây một chỗ, khả năng giữ được rất ít. Đến bây giờ chưa ai biết khi nào chiến tranh kết thúc".
Cũng ở TP Odessa, khu buôn bán của anh Dũng lại đang được bảo vệ tốt. Anh Dũng và những người buôn bán đã bỏ thêm tiền thuê bảo vệ trông coi. "Tình hình hàng hóa hiện tại vẫn ổn, nhưng về lâu dài thì không chắc chắn được" - anh Dũng cho biết cũng may vợ chồng anh đầu tư nhưng vẫn để lại ít tiền dự phòng nên đỡ hơn nhiều gia đình khác.
Theo tin báo, họ biết khu chợ người Việt ở TP Kiev và các vùng ngoại ô đều đã bị bom đạn tàn phá, tài sản và nhà cửa đều mất trắng. "Tôi rất thương những người Việt buôn bán cả đời ở đó, họ sắp đến lúc nghỉ thì cuối cùng trắng tay. Hơn một năm qua, COVID-19 đã khó khăn rồi", giọng anh buồn rầu.
Anh Dũng đang tính cả phương án sẽ ở lại Việt Nam lập nghiệp. Anh đang làm giấy tờ nhập học và thủ tục để nhập hộ khẩu cho con. "Tôi phải mất bốn ngày chạy xe lên tỉnh mới làm xong thủ tục cho mình, còn giấy tờ nhập học cho con vẫn chưa được. Vì chiến tranh nên giấy tờ của gia đình tôi ở bên kia không làm được thủ tục", anh Dũng thở dài.
Anh hỏi thăm một số bạn bè ở Thanh Hóa và Phú Thọ thì được biết nhà trường và chính quyền địa phương ở đó rất tạo điều kiện để con em họ được học hành. Kỳ nghỉ lễ giỗ Tổ Hùng Vương, anh Dũng đã đưa vợ con về quê ngoại ở Phú Thọ và gia đình có chuyến du lịch đầu tiên kể từ ngày về nước...
"Hàng hóa của chúng tôi đang quây ở các kiôt ở chợ, sau chiến tranh không biết còn hay mất. Nếu đạn pháo không đánh phá thì cũng lo trộm cắp", chị Nguyễn Thị Trang lo lắng. Hằng ngày, ngoài nghe ngóng thời sự về diễn biến cuộc chiến, chị thường xuyên vào nhóm riêng "Hội người buôn bán di tản" để hỏi tình hình hàng hóa của mình.