Trí thức kiều bào - Nguồn lực quý của đất nước (Kỳ I): Khơi thông dòng chảy

Published Date
27/12/2023

Việc thu hút, tập hợp và sử dụng hiệu quả nguồn lực trí thức kiều bào ngày càng được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm với nhiều chủ trương, chính sách. Câu chuyện không đơn giản, nhưng luôn có những con đường giúp khơi thông nguồn nhân lực quý cho đất nước...                                                                                                                                                                                                                            

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chụp ảnh lưu niệm với kiều bào tham dự chương trình  Xuân Quê hương 2023 nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão, ngày 14/1. (Ảnh: Trọng Vũ)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chụp ảnh lưu niệm với kiều bào tham dự chương trình Xuân Quê hương 2023 nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão, ngày 14/1. (Ảnh: Trọng Vũ)

Năm 2024 sắp tới đánh dấu 20 năm ra đời Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị khóa IX về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN).

Có thể thấy, Nghị quyết này cùng với Chỉ thị số 45-CT/TW về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW và Kết luận số 12-KL/TW ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị về công tác NVNONN trong tình hình mới, đã đạt những thành tựu rất đáng trân trọng trong thời gian qua. Nhận thức của toàn xã hội về tầm quan trọng của nguồn lực trí thức NVNONN phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước không ngừng nâng cao.

Không còn như “lá mùa thu”

Theo ước tính của Ủy ban Nhà nước về NVNONN, trong tổng số gần 6 triệu NVNONN hiện nay, số lượng người có trình độ đại học trở lên chiếm khoảng 10%, tương đương 600.000 người, gồm hai bộ phận là trí thức từ trong nước ra nước ngoài học tập, làm việc và trí thức là con em các thế hệ của người Việt ở sở tại.

Trong hầu hết các ngành và lĩnh vực mũi nhọn, khoa học hiện đại… đều có chuyên gia người Việt Nam tham gia nghiên cứu và làm việc, tạo được những thành tựu gây tiếng vang trên thế giới. Chẳng hạn như: Giáo sư Vũ Ngọc Tâm, khoa Khoa học máy tính, ĐH Colorado Boulder (Mỹ) kiêm CEO công ty Earable là người Việt duy nhất được trao giải thưởng Sloan Research Fellowships 2020 nhờ những nghiên cứu độc lập đột phá; Giáo sư Phan Thành Nam (quê Phú Yên) là 1 trong 10 nhà toán học có tên trong danh sách nhận Giải thưởng EMS của Hội Toán học châu Âu 2020, uy tín bậc nhất thế giới, chỉ sau giải Fields của Hội Toán học thế giới; TS. Nguyễn Thị Hoàng Dương là nhà khoa học người Việt đầu tiên nhận huy chương Colworth năm 2024 trong lịch sử 60 năm của giải thưởng uy tín hằng năm dành cho nghiên cứu khoa học xuất sắc ở Anh và Ireland...

Thời gian qua, trí thức kiều bào đã và đang có nhiều đóng góp quan trọng, giúp chuyển giao kiến thức, tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, huy động các nguồn lực quốc tế vào Việt Nam, đào tạo đội ngũ cán bộ, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam.

Đặc biệt, những năm gần đây, trí thức NVNONN tăng cường kết nối trên phạm vi khu vực, toàn cầu, tạo ra các cơ chế làm việc, hợp tác linh hoạt cho các chuyên gia trong và ngoài nước khi tham gia các dự án, chương trình nằm trong chiến lược phát triển quốc gia của Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, đội ngũ trí thức NVNONN đang và sẽ tiếp tục gia tăng về số lượng, đa dạng hơn về lĩnh vực và ngày càng khẳng định được chỗ đứng, vị thế trong môi trường tri thức toàn cầu.

Thế hệ trẻ với tư duy sáng tạo đang thay thế dần lớp người lớn tuổi, là động lực to lớn đóng góp cho nước sở tại và nước nhà.

Ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cũng cho biết, các ngành điện tử, sinh học, y học, vật liệu mới, năng lượng mới, tin học đến hàng không, vũ trụ, hải dương… đều có sự tham gia tích cực của chuyên gia NVNONN. Tuy nhiên, ông cho rằng, việc thu hút chuyên gia NVNONN tham gia hoạt động khoa học và công nghệ ở Việt Nam chưa thực sự tạo được bước đột phá cả về số lượng, chất lượng và hiệu quả. Các chuyên gia chủ yếu tham gia các hoạt động ngắn ngày, ít người về làm việc lâu dài, chưa có công trình, đề tài, phát minh có khả năng làm thay đổi căn bản ngành, lĩnh vực khoa học và công nghệ. Những điểm sáng về chính sách vĩ mô vẫn khó thực thi hiệu quả.

                                              

“Cần thực sự nhận thức đúng về vị trí, vai trò của nguồn lực kiều bào trong sự nghiệp phát triển đất nước, coi kiều bào mạnh cũng là đất nước mạnh. Cần có quyết tâm và chung tay tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt trong công tác huy động nguồn lực quan trọng này hòa vào sức mạnh tổng hợp của dân tộc, nhằm đạt được mục tiêu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc mà Đại hội Đảng XIII đề ra”. Lê Thị Thu Hằng, Thứ trưởng bộ ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN

Những điểm nghẽn ở đâu?

Lý giải việc này, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng nêu một số nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan, như kiều bào còn thiếu thông tin về nguồn lực cần thu hút; các chính sách, quy trình, thủ tục trong nước; thiếu cơ sở dữ liệu quốc gia về NVNONN để các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp có thể khai thác chung; ở một số nơi, một số cấp, thủ tục hành chính còn rườm rà và phiền nhiễu khiến kiều bào còn nghi ngại, chưa yên tâm về đầu tư, làm việc ở Việt Nam…

Theo GS. TS. Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, chính sách đưa ra nhiều nhưng chưa đủ mạnh để khuyến khích các nhà khoa học, trí thức Việt Nam về nước.

Còn ông Nguyễn Văn Phước thì cho rằng, điều quan trọng hơn cả là cần đánh giá đúng tiềm lực, cũng như vị trí, vai trò của họ để có thể đưa ra những cơ chế, chính sách cụ thể, đóng góp cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước”.                                                                          

Trên cơ sở đó, như ý kiến của Phó Tổng thư ký Hội liên lạc với NVNONN Võ Xuân Hoài, cần xác định rõ những vướng mắc, cản trở sự đóng góp của trí thức kiều bào, để có những giải pháp tháo gỡ; phải có những chính sách, cơ chế phù hợp để khơi dậy tình yêu nước, lòng tự tôn dân tộc, đem lại cho họ cảm giác được trân trọng.

Đối với nhiều trí thức NVNONN, mong muốn được trở về đóng góp cho quê hương không phải là để được hưởng những chính sách đãi ngộ của Đảng, Nhà nước… mà mong muốn cống hiến và được ghi nhận cho sự nghiệp phát triển khoa học nước nhà. Tuy nhiên, như Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Quốc Sỹ - Đại học Năng lượng quốc gia Moscow (Nga), Chủ tịch Viện công nghệ VinIT chia sẻ, quá trình trở về của họ còn gặp nhiều khó khăn nên nhiều người sau một thời gian ngắn đã trở lại quốc gia họ từng sinh sống.

Nói về mong đợi của mình, Tiến sĩ, Bác sĩ Tạ Thị Minh Tâm - Đại học Y Charité (Đức), bộc bạch: “Những trí thức kiều bào như tôi, đều mong có cơ hội trở về Việt Nam cũng như hy vọng có thể đóng góp sức lực vào công cuộc xây dựng đất nước. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều người vẫn e dè do chưa có những chính sách lâu dài, ổn định. Nhiều kiều bào vẫn có cảm giác là “khách”, chỉ về làm việc một thời gian ngắn theo dự án hợp tác do nước ngoài đầu tư, những cơ hội làm việc lâu dài còn thiếu”.

                                                                                    

Chuyên gia, trí thức kiều bào về tham dự Xuân Quê hương 2023. (Ảnh: Lê An)
Chuyên gia, trí thức kiều bào về tham dự Xuân Quê hương 2023. (Ảnh: Lê An)

                                                                                                                                                                                                                                                                                                                              

Bài toán trọng dụng, khó khăn cũng phải làm!    

Năm nay, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định 899/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Điều này thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong việc góp phần đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, thực hiện mục tiêu đến năm 2030 đưa Việt Nam trở thành nước đang phát triển có nền công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2050 trở thành nước phát triển. Nói về chiến lược này, ông Peter Hồng, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài và TS. Trà My - Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam lâm thời tại Trung Quốc, đều khẳng định việc phát triển đất nước dựa trên nguồn vốn con người thể hiện tầm nhìn đúng đắn.    

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm nhận thấy vai trò, nguồn lực quan trọng của cộng đồng NVNONN. Điển hình, trong chuyến sang Pháp năm 1946, Bác Hồ thuyết phục mời thêm trí thức Việt kiều yêu nước trở về giúp Tổ quốc đang gặp nhiều khó khăn, trong đó có GS Trần Đại Nghĩa (Phạm Quang Lễ), Trần Hữu Tước, Võ Quý Huân và Võ Đình Quỳnh. Sau này, họ đều trở thành những cán bộ đầu ngành, đặt nền móng khoa học cho nước nhà.    

Bởi vậy, theo các chuyên gia, trong bối cảnh các quốc gia đang có sự cạnh tranh gay gắt các trong các chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam, cùng lúc với việc giữ chân các nhân tài đã và đang làm việc trong nước, cần tìm cách thu hút những hiền tài từ nước ngoài về đóng góp xây dựng đất nước.    

Nói như Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Quốc Sỹ: “Khó khăn cũng phải làm, vì tác dụng và hiệu quả to lớn, vì sự tham gia trực tiếp và làm cầu nối của các trí thức kiều bào của chúng ta ở khắp nơi trên thế giới đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Theo Trọng Vũ/Baoquocte.vn

https://baoquocte.vn/tri-thuc-kieu-bao-nguon-luc-quy-cua-dat-nuoc-ky-i-khoi-thong-dong-chay-252972.html