Từ du học sinh vỡ mộng trên đất Mỹ đến thạc sĩ ngôn ngữ
Sốc văn hóa, không thể giao tiếp với người bản xứ… là những lý do khiến Phạm Trần Kiên (28 tuổi) gần như rơi vào trạng thái trầm cảm và chỉ muốn về Việt Nam sau nửa năm trải nghiệm 'giấc mơ' du học Mỹ hồi năm 2010.
Từng rất ghét học tiếng Anh
Từ những năm đầu học THCS ở Việt Nam Phạm Trần Kiên đều có kết quả rất kém ở môn tiếng Anh. Theo lời Kiên, thời điểm 15 năm về trước Kiên không quá chú trọng đến môn tiếng Anh. "Nhớ lại khoảng tầm 15 năm trước, khi tôi vẫn còn là một cậu học sinh cấp 2, tiếng Anh nói chung và các bằng cấp học thuật như IELTS, TOEIC, SAT… nói riêng vẫn còn là một thứ gì đó rất xa xỉ với phần lớn các gia đình Việt. Trong trí nhớ của tôi, có 3 môn học được người Việt thời điểm đó coi là 3 môn đáng để đầu tư nhất là toán, lý, hoá, còn tiếng Anh vẫn được coi như một 'môn phụ'. Điều này thậm chí có thể cảm nhận được ngay trong các cuộc nói chuyện của gia đình, khi mình thường xuyên được các cô chú họ hàng khuyên nhủ rằng nên dành nhiều thời gian để ôm chặt những quyển sách toán, chứ không nên lên mạng xem những video tiếng Anh 'vô bổ'", Kiên nói.
Vỡ mộng khi du học Mỹ
Vì muốn đi du học mà Kiên đã quyết tâm học tiếng Anh. Sau thời gian dài ôn luyện, Kiên đạt được 6.5 IELTS và đi du học tại trường Trung học Morrisville-Eaton, New York, Mỹ vào năm 2010. Những tưởng tại đây Kiên sẽ được tận hưởng giấc mơ du học một cách trọn vẹn nhưng chàng thiếu niên ngày ấy không ngờ tới việc chuỗi ngày "đen tối" trên đất Mỹ bắt đầu.
Phạm Trần Kiên trong một giờ dạy tiếng Anh
Với thành tích 6.5 IELTS tại Việt Nam, Kiên khá tự tin với khả năng nói tiếng Anh. Tuy nhiên điều này không đủ để Kiên có thể giao tiếp tốt với người bản xứ. Tốc độ nói của người bản xứ rất nhanh khiến Kiên không thể bắt nhịp được khi sống trong môi trường nói tiếng Anh 100%. Thời gian đầu thay vì tìm hiểu về văn hóa, phong tục tập quán của người Mỹ để dễ dàng hòa nhập với môi trường mới thì Kiên lựa chọn việc né tránh và tách biệt khỏi mọi người.
Đến Mỹ, Kiên sống với gia đình ba mẹ nuôi, nhưng thay vì kết nối với họ qua những bữa ăn hay các cuộc gặp gỡ vào cuối ngày thì Kiên lại giam mình trong phòng với chiếc máy tính hay chơi bóng rổ một mình. “Ở Mỹ mọi người thường có bữa ăn vào buổi sáng sớm và chia sẻ với nhau những câu chuyện vào thời gian này nhưng tôi lại thường xuyên né tránh bữa ăn này. Vào buổi sáng thường tôi rất khó có thể nói và đối đáp được bằng tiếng Anh, điều này thật sự rất kỳ lạ”, Kiên kể lại.
Sau này khi đã học chuyên sâu về ngôn ngữ, Kiên biết được rằng buổi sáng sớm thường là thời điểm khó nhất trong ngày để có thể giao tiếp bằng ngoại ngữ, lý do đơn giản là vì khi đó não bộ vẫn chưa hoàn toàn tỉnh giấc. Và nó sẽ có xu hướng “bắt” chúng ta làm những điều mà cơ thể thấy thoải mái nhất, ví dụ như: ngủ tiếp hay trong việc giao tiếp sẽ có xu hướng suy nghĩ và chỉ muốn giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ.
Nhận thấy điều bất thường ở Kiên, gia đình ba mẹ nuôi đã trò chuyện và giúp đỡ anh vượt qua giai đoạn khó khăn. Tự cảm thấy cuộc sống của bản thân ngày càng nhàm chán và dần rơi vào trạng thái tâm lý bất ổn khi không thể nói chuyện với bạn bè ở Mỹ, cũng không thể gọi về nhà vì sợ gia đình lo lắng, Kiên quyết tâm thay đổi, mở lòng và chủ động hơn trong giao tiếp.
Sau mỗi buổi học thay vì chạy về phòng ôm máy tính như trước, anh đã chủ động phụ bố nuôi sửa ô tô, ngồi vào bàn ăn cùng gia đình mỗi buổi tối. Kiên chủ động bắt chuyện với những đứa trẻ ven đường và nhận ra mình đang giao tiếp bằng những từng vựng khá “già nua”và không phù hợp với lứa tuổi teen của Kiên ngày ấy…->đọc tiếp