6300 câu thơ gửi gắm tình cảm quê hương của nữ kiều bào xa xứ

Published Date
24/05/2022

Quà tặng đặc biệt của người phụ nữ Việt Nam xa xứ

Sinh ra và lớn lên ở sông nước phù sa, cây trái trĩu quả - làng cổ Đông Hòa Hiệp và chợ nổi Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Gia đình lại yêu thích thơ ca. Từ nhỏ, chị Trương Mỹ Vân, kiều bào Bỉ đã nghe những người thân trong gia đình đọc ca dao, tục ngữ, Truyện Kiều, Lục Vân Tiên v.v...

Khi theo chồng về Bỉ, những khi buồn nhớ quê, chị cũng ngân nga mấy vần thơ đưa ký ức “trở lại” với Việt Nam mến yêu của mình. Cuối năm 2015, sau đêm chiêm bao thấy cùng đi du lịch với người cô Tư ở quê (đã mất), chị bắt đầu tìm tài liệu để viết "Du thơ đất nước Việt Nam". Dù chưa được đi hết 63 tỉnh thành của Việt Nam, nhưng chị Vân luôn có tham vọng muốn truyền tải những kiến thức về lịch sử, văn hóa, ẩm thực… vào trong trang sách của mình để làm tư liệu dạy hai con. Như lời chị bộc bạch: “Tôi chưa được đi hết đất nước Việt Nam nhưng mong các con lớn lên sẽ đi dần. Chồng tôi khi về Việt Nam là đưa con trai đi vài nơi. Quyển sách là của hồi môn vô giá giúp các con hiểu hơn về quê mẹ. Tôi cố gắng viết để có kiến thức dạy chúng. Không có thứ vật chất nào sánh bằng cha mẹ có thể giúp con hiểu biết và trưởng thành hơn”. Đặc biệt, động lực giúp chị hoàn thành tập thơ này còn là ba má và người chị ở quê, chị mong muốn đây sẽ là món quà tinh thần có ý nghĩa dâng tặng gia đình trong dịp chị về quê hương:

“Quê hương cây trái trĩu cành/ Dòng sông Bà Hợp lượn quanh trước nhà/Cái Bè đất mẹ đẻ ta/Hai bờ chợ nổi Má Ba luôn chờ” (Hai mươi bốn giờ trên quê hương- trang 299)

Hay: “Đêm thâu nhớ má, ba già/ Lệ tuôn, mạch chảy tim òa thúc thôi/Viết thêm để kịp hè tôi/Vu lan báo hiếu có lời sách hay” (Quê hương là gì vậy má- trang 324)


 Chị Trương Mỹ Vân và gia đình giới thiệu "Du thơ đất nước Việt Nam” tại buổi họp mặt mừng Xuân Kỷ Hợi 2019.



 Thơ hóa những ký ức về Việt Nam

Để hoàn thành 6.300 câu thơ lục bát, chị phải mất 2 năm lao động miệt mài. Có những khi vì mải mê làm việc mà chị bị thiếu vitamin D ngay giữa những tháng hè, mùa thu thì viêm trực tràng, mùa đông thì viêm phổi, mùa xuân viêm da dị ứng. Để có thể viết về một địa danh, chị phải xem đi xem lại nhiều nguồn tin khác nhau trên mạng và sách vở, atlas, tự điển tiếng Pháp. Nhất là các con số, mốc thời gian niên đại, tên món ăn như nem, phở... Bắt đầu đến từng tỉnh phải có tên cơ quan đầu não là tỉnh lỵ, rồi đến các địa danh, thắng cảnh lân cận và tên các loại đặc sản, món ăn đặc trưng... Có một số trường hợp địa danh hay danh nhân này khi xưa nằm trên địa lí một tỉnh, nay đổi tên tỉnh hoặc bị chia cắt thành hai tỉnh mới, nên có khi bị nhầm. Kỳ lạ là mỗi lần chị viết sai, chị lại có linh cảm bất an. Chị lại mơ thấy cô Tư cùng chị đi đến nơi đó. Lúc đầu, chị không biết nên không chỉnh sửa, đến vài lần thì chị để ý và cẩn trọng hơn.

Nội dung tập thơ “Du thơ đất nước Việt Nam” của chị dày 325 trang nói về: 63 tỉnh thành của Việt Nam, đặc sản quê hương, trang phục truyền thống, cách chế biến các món ăn từ các nguyên liệu ở địa phương… Trong đó có cả kinh nghiệm làm bếp, tình cảm của chị dành cho gia đình nhỏ nói riêng và với quê hương nói chung:

“Việt Nam đất nước chúng ta/Giàu lòng hiếu khách gặp ra chào cười/Món ăn đa dạng nhờ người/Vị hương đặc biệt rau tươi lắm hoài…”/ “Mong rằng tất cả người ta/Luôn luôn ý thức nghĩ xa hiện tiền/Quý yêu bảo vệ thiên nhiên/ San hô nước sạch cá liền sinh sôi/ Bảo tồn rừng thẳm thú nôi/Đất đai màu mỡ cho đời ngập hoa/ Biển rừng đất nước chúng ta/Thiên nhiên ưu đãi cảnh ra lẫy lừng” (Lời kết – trang 316)

Với tập thơ "Du thơ đất nước Việt Nam”, chị Trương Mỹ Vân đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao bằng xác lập Kỷ lục gia.

Ông Dương Duy Lâm Viên - Tổng Thư ký Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam, Giám đốc điều hành VIETKINGS trao bằng xác lập Kỷ lục đến chị Trương Mỹ Vân –kiều bào Bỉ - Ảnh:NVCC

T.B