Ngày 18-7, tại TP.HCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ.
Thực hiện ba đột phá chiến lược
Sau khi lắng nghe ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương, kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhìn nhận việc ra đời Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ là để phối hợp, liên kết trong vùng và điều này đã được nhấn mạnh trong Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị.
Theo Thủ tướng, từ nay đến cuối năm 2023, vùng Đông Nam Bộ tập trung thực hiện ba đột phá chiến lược gồm xây dựng thể chế, phát triển hạ tầng chiến lược và đào tạo nguồn nhân lực gắn với ba động lực tăng trưởng gồm tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu.
Ông cũng khẳng định quy hoạch là vấn đề rất cấp bách của vùng Đông Nam Bộ, do đó phải hoàn thành càng sớm càng tốt và quy hoạch của TP.HCM cần thu hẹp lộ trình.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: BẢO PHƯƠNG |
“Quy hoạch phải lâu dài, có tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, phát huy được tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của vùng và phải hạn chế, phải hóa giải được những mâu thuẫn, tồn tại, hạn chế, yếu kém của vùng” - Thủ tướng nhấn mạnh và đề nghị trước mắt cần tập trung xử lý ba vấn đề gồm ách tắc giao thông, bảo vệ môi trường và nhà ở cho công nhân, người có thu nhập thấp.
Đáng chú ý, Thủ tướng yêu cầu vùng Đông Nam Bộ cần chủ động nghiên cứu, đề xuất các cơ chế đột phá cho vùng. “Đã đột phá thì phải có cơ chế ưu tiên mới làm được, còn đột phá mà không có cơ chế, không có nguồn lực thì không được” - Thủ tướng nói và cho rằng nếu có khó khăn về tài chính thì phải có cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực.
Cũng theo Thủ tướng, phải phát huy cơ chế hợp tác công tư, vay vốn từ phát hành trái phiếu. Trong đó, khi vay vốn phải có khả năng, lộ trình trả nợ và vay vốn là để đầu tư chứ không phải tiêu dùng.
Ông đề nghị trong tháng 7 này, các tỉnh, thành phải thành lập bộ phận giúp việc, bám sát quyền hạn của hội đồng để tham mưu. “Từ đây đến cuối năm, các công việc phải làm đến nơi đến chốn, không hình thức, không hành chính, đã làm là phải ra sản phẩm, ra của cải vật chất ta, phải lượng hóa, cân đo đong đếm được và phải đôn đốc các quy hoạch, thúc đẩy đầu tư công” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Đặc biệt, về cơ chế, chính sách đặc thù của vùng, Thủ tướng khẳng định từ Nghị quyết 98 sẽ nghiên cứu, bổ sung, mở rộng cơ chế, chính sách cho vùng. Thủ tướng cũng đề nghị các cơ quan cố gắng trình cấp có thẩm quyền về Quỹ phát triển hạ tầng vùng trong quý III-2023.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với các đại biểu bên lề hội nghị. Ảnh: BẢO PHƯƠNG |
Phát biểu trước đó tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng cần nghiên cứu đề xuất các cơ chế đặc thù của vùng Đông Nam Bộ, đặc biệt là cơ chế để phát triển thành công Trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM.
Nhấn mạnh các giải pháp huy động nguồn vốn đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết cần nghiên cứu hình thành Quỹ phát triển hạ tầng vùng. Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trên cơ sở đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt nguồn lực ngoài nhà nước nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng. Đồng thời, ưu tiên nguồn ngân sách trung ương từ nguồn dự phòng, tăng thu để đầu tư các dự án cấp bách liên vùng.
“Đối với TP.HCM, cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cơ chế cho phép TP vay một khoản đủ lớn khoảng trên dưới 20 tỉ USD để hoàn thành đồng bộ các tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch” - bộ trưởng Bộ KH&ĐT nhấn mạnh.
Theo ông Dũng, việc này sẽ giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông, mở rộng không gian TP bằng cách kéo dài đường sắt TP.HCM sang các địa phương lân cận trong vùng nhằm thay đổi một cách cơ bản về hạ tầng của TP.
Từ đó, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho TP. Góp phần quan trọng để phát triển các đô thị vệ tinh, tận dụng được không gian ngầm và phát triển được mô hình TOD dọc các tuyến đường sắt đô thị này.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi kiến nghị cần có cơ chế cho phép các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ thực hiện mô hình TOD. Ảnh: BẢO PHƯƠNG |
Nêu ý kiến tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết trong quá trình phát triển, TP.HCM luôn nhận thức rõ tầm quan trọng, ý nghĩa và trách nhiệm của mình trong công tác liên kết vùng.
Việc này sẽ phát huy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương, phục vụ cho sự phát triển chung của đất nước, đồng thời mở rộng không gian đô thị, không gian phát triển kinh tế - xã hội của TP.
Chủ tịch Phan Văn Mãi kiến nghị cần có cơ chế cho phép các địa phương trong vùng thực hiện mô hình TOD; sử dụng ngân sách địa phương để kết nối với nguồn kinh phí quốc tế, trung ương, doanh nghiệp, xã hội hóa để phát triển giao thông vùng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có quyết định thành lập Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ (gọi tắt là Hội đồng) do Thủ tướng làm chủ tịch Hội đồng; bộ trưởng Bộ KH&ĐT làm phó chủ tịch thường trực.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Hội đồng là hỗ trợ các địa phương trong vùng giải quyết những vấn đề liên tỉnh, TP, không thuộc thẩm quyền của các địa phương trong vùng.
Ngoài ra, Hội đồng cũng sẽ điều phối các hoạt động liên kết phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó ưu tiên hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông; nghiên cứu hình thành Quỹ phát triển hạ tầng vùng…
Cùng với đó, có cơ chế, chính sách phát triển đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ và chuyển đổi số của vùng, có cơ chế, chính sách thu hút nhà đầu tư chiến lược cho vùng và cơ chế, chính sách phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong vùng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức nêu thực tế sân bay quốc tế Long Thành hiện chưa đưa vào sử dụng nhưng tình trạng kẹt xe từ cầu Long Thành đến đường Mai Chí Thọ (thuộc TP.HCM) ngày càng nghiêm trọng. Ông kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT đẩy nhanh việc mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây lên 10-12 làn xe. Đồng thời, có chỉ đạo thống nhất để triển khai dự án cầu Cát Lái ngay trong giai đoạn này nhằm giải tỏa áp lực cho cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đang có dấu hiệu quá tải.
Ngoài ra, Bộ GTVT cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành, giao TP.HCM làm chủ đầu tư kéo dài tuyến metro số 1 về Bình Dương và TP Biên Hòa...
Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc cũng cho rằng cần sớm hoàn thiện và phát triển đồng bộ về cơ sở hạ tầng kết nối, nhất là hiện thực hóa và sớm hoàn thành tuyến cao tốc Mộc Bài - TP.HCM. Bởi đây là dự án giao thông quan trọng, huyết mạch, mang tính chiến lược về kinh tế, đối ngoại, quốc phòng, an ninh của vùng và quốc gia.
Cạnh đó, để tăng cường tính kết nối chặt chẽ về hạ tầng, có thể nghiên cứu hình thành thêm đường sắt tốc độ cao Mộc Bài - TP.HCM, đặc biệt là kết nối với sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Long Thành, cảng Cái Mép - Thị Vải. Đồng thời, sớm xúc tiến quy hoạch sân bay Tây Ninh trở thành cảng hàng không, sân bay dân dụng vệ tinh, giải tỏa áp lực cho sân bay Tân Sơn Nhất…
Thủ tướng yêu cầu thúc đẩy dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ
Trong chuyến làm việc tại TP.HCM, chiều 18-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác đã có chuyến đi khảo sát đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác và lãnh đạo TP.HCM khảo sát Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Ảnh: HÀ THƯ |
Ngay sau đó, tại UBND huyện Cần Giờ, Thủ tướng đã làm việc với bộ, ngành trung ương và TP.HCM nhằm định hướng phát triển khu vực Cần Giờ nhanh và bền vững.
Tại đây, Thủ tướng cũng yêu cầu TP.HCM khẩn trương xây dựng quy hoạch phát triển TP, bổ sung, hoàn thiện quy hoạch phát triển huyện Cần Giờ với tư duy mới, đặt trong tổng thể quy hoạch TP.
“Với hệ sinh thái rừng ngập mặn, Khu sinh quyển Cần Giờ (TP.HCM) phải quy hoạch xây dựng Cần Giờ thành đô thị trong rừng” - Thủ tướng nhấn mạnh…