Ngày 6-6, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM tổ chức Hội thảo khoa học “Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại TP.HCM, nhiệm vụ và giải pháp”.
Tham dự hội nghị có Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải; nguyên phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Phương Thảo; Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Phan Nguyễn Như Khuê; nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Phan Xuân Nguyên; Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức; PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng, Giám đốc Học viện chính trị Khu vực II…
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: VĂN HÀ |
Bà cho biết Sở VH&TT TP.HCM vừa tổ chức Hội nghị sơ kết một năm triển khai thực hiện xây dựng không gian văn hoá Hồ Chí Minh trên lĩnh vực Văn hoá và Thể thao. Chỉ trong một năm nhưng TP đã làm được rất nhiều việc như đã có nhiều mô hình về trưng bày trên không gian mạng, nhiều hoạt động sáng tác, triển lãm…rất phong phú được tổ chức.
Nguyên phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Phương Thảo, phát biểu tại hội thảo. Ảnh: VĂN HÀ |
TP.HCM cũng tổ chức hơn 22.000 cuộc triển lãm ảnh, giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh và có nhiều tấm gương học tập theo đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được tuyên dương, khen thưởng.
“Điều này thể hiện trách nhiệm, sự quan tâm của các cấp, các ngành trong xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh” – bà Thảo đánh giá.
Bà Phạm Phương Thảo cho rằng việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại TP.HCM là nhiệm vụ lâu dài nhưng cần phấn đấu để tạo điểm nhấn quan trọng trong nhiệm kỳ 2020-2025, đặc biệt là trong năm 2023 này.
Do vậy, thời gian tới, TP cần tập trung xây dựng văn hóa, con người TP gắn với Chỉ thị 05; gắn với xây dựng chỉnh đốn Đảng; gắn với trách nhiệm nêu gương, xây dựng lối sống cũng như nét đẹp của con người TP là kiên cường, tiên phong, dám chấp nhận thử thách, năng động, sáng tạo…
TP cũng cần sớm hoàn thành quy hoạch tổng thể về không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Trên cơ sở đó, TP sẽ đầu tư một số điểm nhấn như mở rộng không gian hoạt động Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TP.HCM; xây dựng Quảng trường Hồ Chí Minh ở tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm; xây dựng không gian văn hóa công cộng gắn với Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Lãnh đạo TP.HCM trao đổi với các đại biểu bên lề hội thảo. Ảnh: LÊ THOA |
Bà cũng cho rằng cần xây dựng môi trường văn hóa bằng các công trình cụ thể. Mỗi chi bộ, cơ quan, đơn vị trên địa bàn TP hãy phấn đấu là một không gian văn hóa Hồ Chí Minh thu nhỏ; mỗi cộng đồng, mỗi gia đình là một không gian văn hóa.
“Tôi mong mỗi người dân TP cũng sẽ là một đại sứ văn hóa” – bà Thảo nói thêm.
Cuối cùng, theo bà, TP cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của nhà nước về văn hóa. Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng…và có tổng kết, sơ kết, nhân lên những mô hình tốt.
“Nếu chúng ta có sự tập trung trong chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành, tham gia của các đoàn thể, các tầng lớp nhân dân thì việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại TP.HCM sẽ ngày càng lan tỏa, mở rộng” – bà Phạm Phương Thảo tin tưởng.
Thể hiện tình cảm của người dân TP.HCM đối với Bác Hồ
Báo cáo đề dẫn, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thọ Truyền cho biết việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại TP.HCM là điều cần thiết.
Theo ông, việc này vừa thể hiện tình cảm của người dân TP đối với Bác, vừa giúp phát huy các giá trị vật chất, tinh thần về thân thế, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đồng thời phát huy được đặc trưng văn hóa của con người TP gắn với triển khai thực hiện hiệu quả Kết luận 01 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Ông Truyền khẳng định, Hội thảo khoa học “Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại TP.HCM, nhiệm vụ và giải pháp” nhằm mục đích xác định rõ thêm nội dung quan trọng trong việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh.
Từ đó đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể góp phần xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên địa bàn TP được toàn diện, sâu sắc.