Hoa gạo đốt lòng người xa xứ

Published Date
10/03/2017

Tháng Ba về kèm theo những cơn mưa dầm mù trời thối đất đủ làm ướt áo những kẻ mải vui rong chơi ngoài phố. Những cơn mưa lất phất kéo dài cả tuần làm cho phố xá lấm lem, nhớp nháp dễ gây cảm giác chán chường như chọc tức và trêu ngươi những ai muốn ra đường.

Kết thúc tháng Giêng ăn chơi, trời đất giao hoà đưa tháng Ba về góp mặt vào guồng quay gấp gáp của quỹ thời gian chật hẹp. Chỉ chớp mắt thôi là một tuần, một tháng trôi đi mau lẹ chóng vánh như một cuộc dạo chơi ngắn ngủi vào mỗi dịp cuối tuần. Lúc này đây, vào chính cái tháng Ba sương giăng mù mịt này là khi những cây hoa gạo ở phía trời xa bắt đầu lập loè lửa đỏ. Chẳng hiểu từ bao giờ, cây gạo đã trở thành linh hồn của mỗi cùng quê. Cây gạo thường được trồng ở ven sông, vệ đường. Khẳng khiu qua bao mùa mưa nắng, hứng trọn những tinh hoa ánh sáng của mặt trời, cây chắt chiu từng dòng nhựa để chống trọi với một mùa đông giá rét. Khi xuân về, cây bỗng rùng mình một cái như để rũ bỏ tất cả những bụi bặm của mùa trước để ngóng từng cơn gió ngọt lành của mùa sau. Những cành cây vươn ra từng ngày, chẳng mấy chốc những tán lá của cây gạo đã thẫm một màu xanh non trải rộng. Và cứ thế, cây gạo cứ mải mê say với từng cơn mưa sụt sùi chào đón tháng Ba về bằng những tán hoa đang thắp lửa đỏ rực một vùng trời.

Đỏ rợp trời là thế, đốt lòng người là thế. Vậy mà cây gạo còn phải chịu không ít những lời thị phi dành cho mình. Có đứa trẻ nào sinh ra ở các vùng quê mà lại không biết: “thần cây Đa, ma cây Gạo”. Có nhiều người khi còn bé thường nhặt những cây gạo con mọc hoang đem về trồng trước cổng làng, sau bao năm bươn bả xứ người mỗi lần về thăm quê lại có cảm giác “lạnh người” khi đi qua những gốc gạo to xù, vững chãi ấy, trong khi những cây gạo ấy có tội tình gì đâu…

Hoa Gạo còn là cảm xúc để viết lên những vần thơ nóng bỏng làm hong khô tiết trời oi nồng của tháng Ba ướt át. Hoa gạo dạo lên tiếng nhạc lòng khiến những người đi xa luôn nhớ về nơi quê nhà xa tít tắp với những con đê, nhịp cầu, bờ tre, bãi lúa. Hoa gạo nhen lên những lời tự tình làm rung động những tình cảm đầu đời của các cô cậu học trò khi sắp bước vào “mùa tốt nghiệp”. Hoa gạo nở bừng lên giục giã, nhắc nhở khi mùa thi đang lặng lẽ đến sau lưng. Những tinh tuý của hoa gạo thường được cháy lên trong trái tim của những tâm hồn thi sĩ luôn dạt dào những xúc cảm yêu thương. Mặc dù còn phải mang những ám ảnh về điều này tiếng nọ, nhưng hoa gạo vẫn mang vẻ đẹp đặc trưng cho sự đa cảm và tinh tế. Vì thế mà mỗi khi tháng Ba về, ta vẫn được nghe những câu hát nặng trĩu ưu tư: “thế là chị ơi, rụng bông hoa gạo. Ô hay! Trời không nín gió cho ngày chị sinh” sao mà xót xa, day dứt. Câu hát tuy nhẹ nhàng, mỏng tang mà lại như dao cắt, thổn thức xoáy mãi vào lòng người nghe. Có lúc những chùm hoa gạo lập lòe như muốn sà xuống mái đình, có lúc từng cánh hoa lã chã rơi bên bãi bồi ven những bờ sông tưởng như ta chỉ cần chìa tay ra là có thể nắm được. Ấy vậy mà lại cách xa ta bao tầm tay với. Đứng dưới gốc cây mà ngửa cổ nhìn lên ngọn cây cao ngất, có lúc ta ngỡ như cái màu roi rói ấy ngày càng như đỏ thêm, cứ nhức nhối cứa vào tim nhoi nhói mỗi khi chợt nhận ra những kỉ niệm của thưở ngày xưa vọng về chẳng còn nguyên vẹn.

Khi tiếng sấm đầu mùa đì đùng kéo về kèm theo những tia chớp ngang dọc như muốn rạch ngang vòm trời cũng là khi thiên nhiên ban tặng cho ta những cơn mưa rào nặng hạt ghi dấu ấn của thời khắc giao mùa. Những âm thanh tí tách, rả rích xối vào cỏ non như tiếng lòng của những đứa con từ phía trời xa đang hướng về cha mẹ. Chợt nhận ra trong mắt anh vẫn thắm một chữ yêu, trong mắt em tròn đầy chữ đợi, trong hành trang của những ai xa nhà vẫn còn đó vấn vương cái màu hoa gạo nồng nàn đỏ đượm thắp lên hoài bão, mộng mơ và khát khao tuổi trẻ. Phải chăng đó chính là tình người nồng ấm cứ vướng vít, vẩn vơ lặng lẽ cháy hết mình.

 

Nguyễn Thuý Hạnh

(Vietseri)