Mùa bão quê nhà

Published Date
11/08/2016

1.Mẹ tôi bảo, chẳng có nỗi sợ gì bằng nỗi sợ mỗi khi bão đến. Mỗi lần nhắc tới bão là bà lại giãi bầy những ký ức từ xưa rất xưa. Đầu câu chuyện bà luôn luôn nhắc những câu cảm thán có tính… mạnh như: “ Chao ôi, những cơn bão khi xưa đến là khiếp sợ, giờ tau vẫn còn rùng mình đây này!”.

Mẹ tôi về sống chung với bố từ rất sớm. 18 tuổi mẹ làm dâu nhà nội. Nhà nội đông con, nên cứ mỗi người cưới xong đều cho ra riêng luôn. Ra riêng, phần của bố mẹ gồm mảnh đất nương thân và vài tạ lúa. “Trời ơi, a rứa thì sống mần răng được mẹ?(*) Mà mẹ cũng ham lấy chồng sớm thiệt”. Chị em tôi hùa nhau vào đùa. “Tau biết cưới chồng là khổ đó, nhưng thương bố tụi bây rồi, không cưới cũng không được, vả lại, con gái đến thì thì phải lấy chồng, kẻo người đời dị nghị”. Chốc chốc bà dừng lại, lấy miếng trầu cho vào cối giã nhỏ, bỏ vào miệng nhai nhộm nhoạm. Và rồi, vay mượn bên nội, bên ngoại một chút bố mẹ cũng cất được một chiếc nhà lá tạm bợ.

2. Mùa bão năm thứ nhất khi mẹ làm vợ lại đang có chửa chị gái tôi. Mẹ nghén nặng lắm. Đến bữa chẳng ăn được gì. Bố thì cứ loay hoay vừa lo chống bão, vừa lo lương thực cho mẹ. Mới ở đê phòng hộ thoáng chốc đã thấy bố qua bên kia con mương mò tôm mò tép. Cả làng khi đó chẳng có ti vi, vô tuyến như bây giờ. Họa hoằn lắm mới có được cái đài chạy bằng pin, sòng rè rè nghe câu được câu mất. Cách truyền thông tin về bão duy nhất cho mọi người chỉ có bằng… miệng. Mà nghề đời, truyền miệng người này sang người khác cứ “tam sao thất bản”. Bão nhỏ cũng thành bão to không chừng. Nhưng dù sao thì lo xa, phòng trừ vẫn hơn. Bố tôi bảo thế.

Bố kho cá, rim tép khô để sẵn. Rang một chút lạc đâm nhuyễn cho vào lọ làm vừng. Mà thật lạ, bao đồ ngon khác mẹ ăn vào cứ nôn thốc, nôn tháo. Còn vừng lạc cứ ăn tì tì. Giờ chị gái tôi cũng “chuộng” vừng lạc. Mẹ tôi cười: “Chắc là khi nghén tau ăn nhiều vừng lạc quá đó mà”. Trước khi bão đến bố “đánh” thêm mấy phên lá ( thường được làm bằng lá dừa hoặc rơm rạ khô) chồng lên mái nhà, dùng dây mây trói vào các rui, hoành (**) cẩn thận. Năm đó, bão về sớm hơn dự tính. Cũng vì chuyện này mà mọi người lại trách cứ ông Năm ( người trực tiếp nghe đài) nghe không cẩn thận. Nhưng rồi chuyện lại đâu vào đấy. Người ở quê có khi nào để bụng được lâu đâu. Bố đẽo thêm mấy thanh củi bản hình chữ nhật để neo lại hai tấm cửa. Chuẩn bị là thế nhưng sau vài đợt gió cửa phên lá trên mái tốc rụi. Khi đó mẹ chỉ biết nhắm mắt để mặc mọi chuyện cho bố xử lý. Mưa trút ầm ầm, mưa ào ào đổ xuống. Căn nhà của bố mẹ dường như không chỗ nào là không có nước. Bầy gà con mới nở kêu liếp chiếp trong tiếng mưa gió gào thét. Cả chú cún con tội nghiệp dương đôi mắt ướt sũng ngơ ngác. Bố bàn với mẹ đi di trú sang hàng xóm nhưng mẹ không chịu, chỉ vì tiếc, thương đàn gà và chú chó. Và rồi cũng một mùa bão trôi qua.

3. Lớn lên, trải qua những mùa bão tận mắt tôi mới khiếp đảm thật sự. Đêm bão về chị em tôi ôm nhau khóc tu tu vì sợ. Gió vù vù thổi rất mạnh. Cái then cửa tuy được bố neo cẩn thận nhưng vẫn không sao trụ lại được cơn gió hung giữ. Hai cánh cửa ngã cái đánh rầm, ngay sát chỗ chị em tôi ngồi. Tôi bị cánh cửa va vào chân bầm tím đến đau điếng. Có những năm bão lớn quá, cả nhà phải di trú sang nhà hàng xóm kiên cố hơn. Tôi sợ nhất khoảnh khắc bám chặt vai bố bên cái áo mưa mỏng tang đi di trú sang nhà hàng xóm giữa mưa bão cứ đập vào ràn rạt bên lưng. Đầu lúc đó “nghĩ dại” nhỡ may cả hai bố con thiệt mang trong bão, nước mắt tự dưng tuôn như mưa, cho đến khi sang nhà hàng xóm an toàn mới thôi.

 Sau bão, mọi cảnh tan hoang, xơ xác chẳng ai dám nhìn vào. Thậm chí có người còn bưng mặt khóc rưng rức. Nhà cửa, của nả, vườn tược bị nhấn chìm trong bão. Chẳng thể cứu vãn được. Sách vở sau bão, nước mưa làm ướt, những con chữ nhòe bệt vào nhau. Chị em tôi lọ mọ, giở từng trang sách hong dưới nắng hòng vớt vát được chút ít. Biết nhà không dư dả gì nên cũng không muốn vòi vĩnh bố mẹ mua đồ mới. Tôi nhìn ra phía sau nhà, vườn na đáng nhẽ không có bão thì ngay năm sau thôi sẽ chi chít quả. Vậy mà giờ đây còn đâu…Chú chó tên Ki, người bạn thân thiết của tôi cũng bị lũ cuốn trôi mất, khiến tôi ám ảnh cho tới tận bây giờ. Có người bất đắc dĩ gạt bỏ lòng tự trọng, bồng bế con, đeo túi đi tứ xứ xin ăn. Thảm cảnh đến thế là cùng!

4. Có một câu nói mà tôi rất tâm đắc. “Sinh ra trên đời ai không ai được lựa chọn nơi mình sinh ra, cha mẹ của mình nhưng tất cả chúng ta đều có sự lựa chọn cho mình cách sống, thái độ sống, chấp nhận hay cố gắng thay đổi những điều kiện sẵn có để làm nên một cuộc đời khác theo ý nguyện của bạn”. Nên dù bão ở quê hàng năm vẫn vần vũ ghé thăm nhưng tôi không bao giờ ghét bỏ nơi mình đã sinh ra mà thầm cảm ơn mảnh đất quê đã hình thành một tôi như ngày hôm nay. Đi qua mỗi mùa bão, cho dù là ký ức của mẹ kể lại hay chính bản thân chứng kiến tôi lại càng thấm thía được giá trị của mái ấm gia đình, của lòng kiên cường, sự đồng lòng của người dân quê lam lũ. Ôi, thương quá là thương!

Quyền Văn

 

Chú thích:

(*): Phương ngữ của dân miền Trung: “Trời ơi, như thế thì sống làm sao được mẹ?”.

(**): Bộ phận trên mái nhà, thường làm bằng gỗ, làm bệ đỡ cho phên tranh, ngói.