Nhớ cơm nắm lá cọ của mẹ

Published Date
29/05/2017

Mỗi lần trở về làng quê trung du yêu dấu, nhìn lên đồi cọ xanh trập trùng, không hiểu sao tôi lại nhớ về tuổi thơ, nhớ về nắm cơm mẹ gói bằng lá cọ non mỗi buổi sáng sớm. Lá cọ xòe trong nỗi nhớ, níu kí ức của tôi về những ngày thơ bé được sống nơi thôn quê trong vòng tay ấm áp của người mẹ quê đôn hậu.

Ngày còn nhỏ, cứ sáng sớm tinh mơ, mẹ trở dậy nhóm bếp thổi cơm cho cả nhà rồi không quên nắm một nắm cơm nhỏ, đúc vào cặp sách cho tôi để mang đến trường để đến gần trưa ăn cho đỡ đói. Ở quê tôi thường có thói quen nắm cơm bằng lá cọ, bẹ cau non, vì thế, ngày nào mẹ cũng dùng lá cọ non hái trên đồi cọ sau nhà để nắm cơm. Mẹ chọn lá cọ bé, loại lá của những cây cọ non mới mọc vượt mặt đất chừng nửa mét, mang về, mẹ lau sạch bề mặt lá rồi hơ qua trên bếp lửa cho lá cọ mềm dẻo hơn, khi nắm cơm lá sẽ không bị rách.

Mẹ tôi cũng như bao bà mẹ quê khác có tài nắm cơm lá cọ đến lạ. Cơm được thổi chín, vẫn còn nóng hổi, mẹ xơi ra giữa lá cọ rồi dùng tay cuốn hai đầu lá lại thành vòng tròn rồi cứ thế xoay đi xoay lại nắm cơm cho hạt cơm quyện vào nhau. Khi nắm cơm đã chặt, mẹ dùng một sợi lá buộc chặt hai đầu lại thành một nắm cơm nhỏ vừa gọn vừa xinh, cầm lên thấy chắc nịch.

Ngày thơ bé, những đứa trẻ quê như chúng tôi có nắm cơm lá cọ xách tòng teng trên tay mỗi khi đến trường là quí giá lắm rồi chứ lấy đâu ra quà sáng như bây giờ. Đến gần trưa, khi tan buổi học, tất cả bỏ cơm nắm ra ăn rồi chiều lại học tiếp. Khi cởi dậy buộc túm đầu nắm cơm, giở lớp lá cọ non, một mùi thơm tỏa ra đến dễ chịu. Đó là vị thơm của gạo quê hòa vào vị thơm đặc trưng của lá cọ, mùi vị mà chẳng cần nhìn chúng tôi vẫn nhận ra bởi thường ngày, lá cọ đã quá gần gũi thân quen với bọn trẻ chúng tôi.

Bửa từng miếng cơm nắm trắng ngần chấm với muối vừng, muối lạc ăn ngon lành. Đến bây giờ, tôi vẫn không sao quên được vị dẻo thơm cơm nắm lá cọ mà bao lâu nay không được thưởng thức nữa. Vừa ăn cơm, chúng tôi vừa cảm nhận được sự khéo léo từ bàn tay mẹ, sự tảo tần thức khuya dậy sớm của mẹ để mỗi sớm mai, chúng tôi có nắm cơm lá cọ đến trường học chữ. Và mỗi khi ăn cơm nắm lá cọ, hương vị quê hương như ùa về trong tôi và những đứa trẻ quê. Cái vị thơm ngai ngái của lá cọ non đã làm nên cái vị ngọt lành nơi đầu lưỡi và sự thanh nhẹ trong tâm hồn, chúng tôi như lắng nghe được âm thanh rì rào của đồi cọ quê mình.

Giờ đây chúng tôi đã khôn lớn, mẹ đã già yếu, đồi cọ sau nhà vẫn còn đó, thân cao vút trên nền trời. Đã lâu, mẹ không nắm cơm lá cọ nữa và đã quá lâu rồi chúng tôi không được thưởng thức món ăn dân dã này. Nhưng trong sâu thẳm tâm hồn mình, hình ảnh cơm nắm lá cọ luôn gọi về kí tuổi thơ ngày nào nơi làng quê yêu dấu.

Nguyễn Thế Lượng